Từ đam mê những đồ vật tự làm tặng bạn bè, trang trí nhà cửa, Lê Thị Kim Anh và Ngô Đăng Việt, cựu sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Huế, đã mở cửa hàng kinh doanh đồ làm bằng tay mang tên Lenka trên đường Phùng Hưng, TP.Huế, để vừa thỏa thích sáng tạo vừa thêm thu nhập.
|
Các mặt hàng ở Lenka đều làm thủ công, từ chiếc kẹp tóc, túi xách, bóp đựng điện thoại, những con thú bằng len, móc khóa, khung ảnh, đồ trang sức… cho đến những mô hình nhà làm bằng que kem, bức tranh bằng đá, sỏi. Chỉ với vật liệu như gốm, thủy tinh, vỏ ốc, hạt nhựa hay vỏ chai, hoa khô, những sản phẩm đẹp mắt, sinh động được làm ra và đem lại thu nhập không ít.
Kim Anh tâm sự: “Mình thấy đồ làm bằng tay được học sinh, sinh viên rất ưa chuộng vì sự khác biệt và tính sáng tạo trong mỗi đồ vật. Tại TP.Huế chưa có cửa hàng nào chuyên về đồ làm bằng tay nên mình chọn mặt hàng này để kinh doanh”.
Để vượt qua khó khăn bước đầu trong kinh doanh, Kim Anh và Đăng Việt luôn cải tiến các mặt hàng theo hướng tinh xảo hơn, sáng tạo hơn, đáp ứng xu hướng của giới trẻ. Đăng Việt chia sẻ: “Vì hai đứa đều học chuyên ngành thiết kế đồ họa nên việc tạo ra sản phẩm nhanh hơn, đồng thời cách phối màu cho đồ vật hài hòa, đáp ứng sở thích của nhiều người. Nhưng mình phải nghĩ ra nhiều kiểu mẫu đẹp mắt, trẻ trung, khác lạ và mặt hàng kinh doanh phải đa dạng thì mới cạnh tranh được trên thị trường”.
Không chỉ hướng đến học sinh và sinh viên, người lớn tuổi cũng được hai bạn chú ý với những vật dụng trang trí nội thất như tranh, giỏ hoa bằng len nhiều màu sắc hay hoa khô... Ngoài ra, nắm bắt tâm lý nhiều du khách cũng rất thích thú và tìm mua những mặt hàng thủ công tinh xảo, vào mỗi buổi chiều tối, Kim Anh và Đăng Việt thuê mặt bằng tại phố đêm Huế, gần cầu Tràng Tiền hay dọc bờ sông Hương, để giới thiệu sản phẩm đến du khách nước ngoài đi dạo...
Nguyễn Vũ Nhất Thịnh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cũng bán những món hàng làm bằng tay rất sáng tạo và lạ mắt, trong đó có cây sinh thái mini do SV Trường ĐH Quốc tế TP.HCM nghiên cứu. Đó là những cây lan ngọc điệp hay cây trầu bà, được trồng trong chiếc lọ thủy tinh kích thước khoảng 1,5 cm3, bên trong lọ chứa vi khoáng, chất dinh dưỡng để cây phát triển mà không cần đất, nước, ánh sáng. Cây sinh thái mini được thiết kế như một chiếc móc khóa, móc điện thoại và cây có thể sinh trưởng trong khoảng 1 năm mà không cần chăm sóc. |
Hải Yến
>> Mỹ nghệ từ vỏ lon
>> Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Bình luận (0)