Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức 2 năm một lần ở TP.Phan Thiết. Đây là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa sinh sống lâu đời ở thành phố này.
Năm nay, lễ hội Nghinh Ông bắt đầu từ ngày 22.8 (20.7 âm lịch). Ngoài lễ thỉnh kiệu Thánh mẫu Thiên hậu ở thị trấn Phú Long (H.Hàm Thuận Bắc), 2 ngày qua, các nghi lễ khác đều bắt đầu trong chùa Ông ở đường Trần Phú, một ngôi chùa của người Hoa và một vài cơ sở tín ngưỡng khác như Quan Đế miếu, chùa Bửu Quang ở TP.Phan Thiết.
Ngoài ra, cộng đồng người Hoa còn tổ chức lễ phóng đăng 36 ngọn đèn trên biển ở cửa biển Cà Ty, P.Đức Thắng để cầu bình an.
Chương trình đặc biệt nhất của lễ hội Nghinh Ông là biểu diễn hóa trang, nghênh diễn trên đường phố Phan Thiết vào ngày cuối cùng (sáng 25.8). Các hội quán của người Hoa như Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam và đoàn múa lân sư rồng Thanh Long biểu diễn trên các con phố, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến xem.
Độc đáo lễ hội Nginh Ông ở Phan Thiết
Nhiều hộ kinh doanh trên các con phố gần khu chợ Phan Thiết đều lập bàn cúng trước nhà để được Quan thánh Đế quân ban cho sự may mắn, bình an khi các nhân vật huyền thoại đi qua.
Với hàng ngàn diễn viên hóa trang thành những nhân vật trong truyền thuyết (Quan Thế Âm, Thần Tài, Bát Tiên, Nhân Mã…) cùng hàng chục gánh hoa, các đội múa truyền thống, nhạc cụ dân tộc, các đoàn lân, sư, rồng... và nhất là rồng xanh dài 49 mét tham gia diễu hành qua các đường phố phía nam sông Cà Ty, tạo nên không khí lễ hội đậm sắc màu văn hóa truyền thống. Một số con phố mà các đoàn đều diễu hành đi qua như: Triệu Quang Phục - Ngô Sĩ Liên - Ngư Ông - Trưng Trắc - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Trần Quốc Toản - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Tri Phương - Quan Đế Miếu.
Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở TP.Phan Thiết diễn ra để cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...
Lễ hội Nghinh Ông hiện là một trong các lễ hội truyền thống được tỉnh Bình Thuận bảo tồn và phát huy, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.
Bình luận (0)