Lễ hội rằm tháng 3 là một trong những lễ hội lớn nhất của người dân sinh sống tại H.Minh Hóa (Quảng Bình), những ngày này họ cùng nhau vui chơi, tham gia các môn thể thao và trẩy hội trong đêm rằm.
Lễ hội được bắt đầu từ ngày 10.3 kéo dài đến 15.3 âm lịch. Trọng tâm nhất của suốt 1 tuần diễn ra lễ hội là vào ngày 14 âm lịch, đây là thời điểm người dân tại huyện miền núi đến dâng hương tại thác Bụt, tổ chức khai hội và đốt lửa trại đêm rằm.
Tại thác Bụt thuộc xã Yên Hóa, hằng năm, chính quyền địa phương cùng người dân lại đến khu vực này dâng hương với hy vọng cầu cho một cuộc sống bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Bên cạnh các hoạt động tâm linh, những ngày này, người dân tại H.Minh Hóa còn tham gia các hội thao như đá bóng, đánh bóng chuyền, bắn nỏ... Trong đêm 14.3 âm lịch, nếu có dịp đặt chân đến đây du khách được thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân, người dân tộc thiểu số tại H.Minh Hóa.
Chị Đinh Thùy Trang (26 tuổi, TT.Quy Đạt, H.Minh Hóa) cho biết, chị đang làm việc ở Huế nhưng mỗi khi đến dịp diễn ra hội rằm, thì sẽ sắp xếp để về quê.
"Đây là thời điểm để về với gia đình, cùng mọi người tham gia trẩy hội đêm rằm. Sau tết âm lịch đây là thời điểm người dân chúng tôi trở về quê hương để cùng nhau vui chơi, thi đấu. Với chúng tôi đây được coi là một cái tết đoàn viên, tết sum vầy", chị Trang nói.
Đây cũng là một trong những hoạt động độc đáo, làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho du lịch Quảng Bình cũng như quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Quảng Bình đến với bạn bè, du khách gần xa.
Nguồn gốc hình thành lễ hội
Tương truyền rằng, lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa xuất phát từ câu chuyện về hai anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Lúc hai người lên đến đỉnh thì vô tình gặp một giếng nước trong vắt. Ở cạnh giếng có một cây quýt trĩu nặng quả. Dưới tán cây có 12 hòn đá hình dáng trông như ông Bụt, bên cạnh còn có bàn đá bằng phẳng và 12 quân cờ cũng bằng đá.
Hai anh em bèn ngồi xuống dưới gốc cây quýt để nghỉ ngơi, hái quýt ăn rồi nhìn ngắm phong cảnh xung quanh. Khi hai người xuống núi thì họ mang theo một hòn đá giống tượng Bụt. Đến thác Cúi, họ đặt hòn đá xuống để đi tắm rửa. Và thật kỳ lạ, sau khi tắm xong, người anh đến mang tượng đá đi thì lại không sao nhấc lên nổi. Người anh bực tức nên lấy cái rựa chém sứt môi tượng đá. Từ đó về sau, những người được sinh ra trong dòng tộc của hai anh em đều sẽ có một người bị khiếm khuyết ở môi. Một điều trùng hợp nữa là từ khi tượng đá có hình giống ông Bụt xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng thường xuyên bị chim thú kéo đến phá hoại, gia súc, gia cầm cũng bị thú dữ bắt đi.
Dân làng bèn xưng tượng đá là Bụt và lập đàn thờ khấn vái. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần dần biến mất. Câu chuyện cứ thế lan truyền đi xa, ngày càng có nhiều người đến đây cúng tế. Dần dà, người dân quen gọi nơi đây là Thác Bụt giống như tên gọi ngày nay. Hằng năm, cứ đến rằm tháng 3 âm lịch, người dân lại đến đây dâng hương cúng Bụt cầu mong làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, con cháu được khỏe mạnh ấm no. Lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa ra đời từ khi đó.
Bình luận (0)