Độc đáo loạt ảnh phụ nữ xăm mặt cuối cùng ở Myanmar

Huệ Bình
Huệ Bình
30/01/2021 11:30 GMT+7

Nhiếp ảnh gia người Ý Marco Vendittelli mới đây tung loạt ảnh độc đáo những người phụ nữ xăm mặt cuối cùng của bộ tộc Chin ở Myanmar.

Trong hơn 1.000 năm, phụ nữ bộ tộc Chin sinh sống ở bang Chin của Myanmar nổi tiếng với nhiều hình xăm trên mặt và được gọi là “người mặt hổ”. Mục đích của tục xăm mặt là để ngăn chặn các đối thủ bắt cóc họ. Chính phủ Myanmar cấm tập tục xăm mặt từ năm 1962 trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục và hiện đại hóa đất nước.

Ghi dấu những ‘người mặt hổ’ cuối cùng

Ngày nay, phụ nữ bộ tộc Chin không còn xăm mặt nữa. Những người có hình xăm trên mặt là thế hệ cuối cùng duy trì tập tục và hiện đã lớn tuổi. Để lưu giữ lại tập tục sắp không còn nữa, nhiếp ảnh gia người Marco Vendittelli, 32 tuổi, đến từ đô thị Sorrento (Ý), chụp loạt ảnh những người phụ nữ xăm mặt còn sống ở bang Chin của Myanmar.

Những người có hình xăm trên mặt là thế hệ cuối cùng duy trì tập tục và nay đã lớn tuổi

Ảnh: Daily Mail

Nhiếp ảnh gia Marco Vendittelli đã dành 7 ngày đi khắp vùng thăm các nhóm người địa phương Dai, Muun, Yindu, Upu, Mkaan và Ngaya thuộc bộ tộc Chin. Nhiếp ảnh gia nói với Daily Mail: “Nhiều người mà tôi tiếp xúc cho biết họ xăm mặt để trở nên xấu xí, tránh bị bắt cóc. Một số khác nói với tôi rằng họ làm vậy chỉ đơn giản để chứng tỏ họ là một phần của bộ lạc nào. Bang Chin là một nơi tuyệt vời để chiêm ngưỡng bản sắc của người dân Myanmar mà không bị ảnh hưởng của du lịch đại chúng”.

Những hình xăm trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của phụ nữ Chin

Ảnh: Daily Mail

Theo Daily Mail, bộ tộc Chin là tộc người thiểu số chiếm khoảng 2% dân số của Myanmar, sinh sống ở miền núi cao, hẻo lánh thuộc bang Mrauk U in Rakhin và bang Chin, phía tây Myanmar - vốn tiếp giáp với Ấn Độ và Bangladesh. Những hình xăm trên gương mặt phụ nữ người Chin là nét đặc trưng. Theo truyền thuyết của bộ tộc Chin, thuở xưa, có một vị vua đi ngang qua ngôi làng, thấy phụ nữ ở đây xinh đẹp nên đã bắt một số người về làm vợ. Từ đó, các gia đình người Chin, khi con gái lên 11 - 15 tuổi thì buộc phải xăm lên mặt, một cách để che giấu dung nhan, tránh bị bắt cóc.

Phụ nữ xăm mặt để được thần linh bảo vệ chứ không phải tự làm xấu mình như câu chuyện trong truyền thuyết

Ảnh: Daily Mail

Trong một thiên niên kỷ qua, truyền thống này được duy trì và những hình xăm trở thành một phần quan trọng trong bản sắc của phụ nữ Chin. Nhiều người đàn ông coi những hình xăm là một dấu hiệu của vẻ đẹp và từ chối kết hôn với những phụ nữ chưa được xăm mặt trong bộ tộc. Ngoài việc trở thành tập tục gắn với quan niệm thẩm mỹ của tộc người, phụ nữ Chin xăm mặt để được thần linh bảo vệ chứ không phải tự làm xấu mình như câu chuyện trong truyền thuyết.

Người Chin là tộc người thiểu số chiếm khoảng 2% dân số của Myanmar, sinh sống ở miền núi cao, hẻo lánh

Ảnh: Daily Mail

Những họa tiết trên khuôn mặt phụ nữ bộ tộc Chin là những hình học độc đáo. Trong một ảnh chụp, những chấm đen nhỏ được xăm che phủ khuôn mặt của một phụ nữ Dai mặc áo dài rộng. Hay trong một tấm ảnh khác, những đường đen mảnh chạy dọc theo cả khuôn mặt của người phụ nữ Yindu tạo cảm giác giống như ảo ảnh quang học. Người Mkaan có hình xăm theo hàng trên trán và cằm. Người Muun dễ nhận ra nhất với các hình chữ P hoặc D móc nối nhau trên mặt cùng với biểu tượng giống chữ Y trên trán.

Nhiếp ảnh gia người Marco Vendittelli, đến từ đô thị Sorrento (Ý), chụp loạt ảnh những người phụ nữ xăm mặt còn sống ở bang Chin của Myanmar

Ảnh: Daily Mail

Mực xăm được làm từ lá cây, chồi cây và bồ hóng. Lá cây tạo nên màu sắc, bồ hóng được xem như sát trùng, còn chồi cây được sử dụng ở công đoạn cuối cùng với vai trò băng bó và làm lành vết xăm. Những người phụ nữ xăm mặt của bộ tộc Chin dùng gai nhọn có trên một số cây châm vào da để tạo nên hình xăm có màu đen hoặc màu xám.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.