(iHay) Ngày xưa, dường như món nào mà vua nếm qua và gật gù thì được “phong” là “ngự”. Chỉ có món… tươi sống là ngoại lệ vì dù vua đã “nếm” rồi gật gù nhiều lần nhưng vẫn không được phép gọi là “ngự”. (Nếu có, chắc cái tên này ngộ lắm).
Thật vinh dự! Vùng quê mình (Sa Huỳnh – Quảng Ngãi) có một món được mang tên cái tên sáng choang và vô cùng... lộng lẫy. Đó là nếp ngự. Mà chỉ Sa Huỳnh thôi nhé. Các vùng lân cận có lấy giống về hì hụi gieo trồng thì nếp ngự biến thành một loại nếp giống nếp kim (hạt nhỏ, dài, ốm, nhọn hai đầu, chất lượng chỉ hơn gạo một chút). Giải thích điều này, một lão nông Sa Huỳnh cười cười, nói gọn trơn: Bởi vì đồng Sa Huỳnh là đồng… ngự. Hồi xưa, vua Bảo Đại cờ trống võng lọng qua đây, thấy phía đông là biển cả mênh mông, phía tây là điệp trùng biển lúa nên cho đoàn xa giá dừng lại, cắm trại chơi vui suốt mấy canh giờ. “Tình hình” vậy nên mấy đám ruộng lúa tẻ gần vua phấn khởi phất cờ thành lúa nếp. Nếp ngự Sa Huỳnh có từ hồi đó. Đám nông dân trẻ bấm nhau: “Ổng mê tín vua nên nói chuyện hoang… đàng. Nhưng mà kệ. Miễn ổng ca ngợi nếp quê mình là được”.
Nếp ngự được gieo từ tháng chạp năm trước đến tháng hai năm sau là cho thu hoạch. Đi ngang những đám ruộng nếp chuẩn bị gặt nghe ngạt ngào thứ hương gì lạ lắm. Tuồng như hương ấy được lắng lọc từ tinh hoa của những hạt mưa thầm trong đêm xuân thanh vắng, của thứ nắng rực rỡ giêng hai, của những hạt sương thuần khiết mỗi sớm mai và của cả những giọt mồ hôi từ lưng áo người nông dân rơi thánh thót.
|
|
|
Có lẽ nếp ngự biết “đẳng cấp” của mình nên dềnh dàng hơn so với lúa. Lúa được phơi phóng, nằm im trong bồ thì nửa tháng sau, ở ngoài đồng, nếp ngự vẫn nhởn nhơ, chưa vội gì vàng, chỉ hườm hườm thôi để “dẫn dụ” nông dân ngày thăm ruộng hai ba lần. Đến khi gặt xong, tắm nắng đầu hè vài ba ngày thì nếp ngự vào lu, vào ảng. Nếp hong khô, hạt nào hạt nấy thơm mùi nắng đầu hè, mình mẩy tròn vo, mập ú, sắc độ vàng còn hơn hoa cúc mùa thu.
Nông dân làng mình có tục cúng nếp mới (còn gọi là cúng tạ ơn Thần Nông) vào những đêm đầu tháng ba khi trăng vừa rựng. Đồ cúng là nồi chè và nồi xôi nếp ngự. Chè thì nấu với đường cát nâu. Xôi thì phải gút sạch, để vài tiếng cho ráo nước rồi bắc lên hấp. Trong món chè, đường sánh lại, ôm ấp từng hạt nếp nở lúp búp, óng a óng ánh trông đẹp lạ lùng. Ở món xôi, nhất là xôi điều (nấu với thịt của trái gấc), đĩa xôi lóng lánh, rực hồng nhìn thật dễ thương. Con mắt no nê vẻ thẩm mỹ của món ăn. Còn cái lưỡi cái răng thì hân hoan với vị ngọt ngào dẻo thơm của từng hạt nếp.
Cứ cách vài ngày, bà xã mình lại nấu cháo nếp ngự cho cả nhà ăn sáng. Nhưng không phải tự dưng mà nấu. Nghĩa là nấu cháo… có điều kiện. Điều kiện đó là phải có một nồi cá thửng kho tiêu. Ăn miếng cháo mềm mại thơm tho kèm với miếng cá kho ngon đến mức… nức bụng, và bỗng thấy bái phục “ông thần ẩm thực”. Sự phối kết món ăn nào của ổng cũng… đậm đà chân lý.
Nếp ngự Sa Huỳnh còn có “chức năng hạnh phúc” nữa đó bạn. Nó luôn luôn có mặt trong cặp quả đặt trên bàn bên cạnh trầu cau trong lễ đính hôn. Bởi lẽ, đính là phải dính, dính một cách dẻo dai bền chặt. Về khoản này thì nếp ngự là “quán quân” trong làng ngũ cốc. Nó dẻo đến mức nếu ăn bằng tay thì phải rửa… cả ngày may ra mới sạch. Vậy nên có thơ rằng: Nếu anh có ý có tình / Thì đem nếp ngự Sa Huỳnh thăm em.
Trần Cao Duyên
>> Báo Anh gợi ý 10 món ngon nên thử khi tới Việt Nam
>> Lửa hồng 'vây' nóng óc heo
>> Bánh đập mắm nêm cho ngày 'nhạt miệng'
>> Món ngon cuối tuần: Cá hồng nướng ăn kèm salad củ hồi
Bình luận (0)