Độc đáo nghề làm gốm cổ ngàn năm không cần bàn xoay

Chí Nhân
Chí Nhân
25/02/2023 11:16 GMT+7

Bàn xoay là dụng cụ không thể thiếu trong nghề làm gốm. Ấy vậy mà, cả làng gốm cổ ngàn năm tuổi không có bất kỳ bàn xoay nào. Đó là một trong những nét độc đáo của làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ thuật gốm Bàu Trúc được cho ra đời từ đầu thế kỷ thứ 12. Tổ nghề là ông Poklong Chanh một vị quan của người Chăm, dạy phụ nữ trong làng Paley Hamu Trok làm nghề, do nơi đây có nguyên liệu phù hợp. Nghề cứ truyền từ mẹ sang con đến nay làng nghề có tên Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Làng cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về hướng nam.

Đố ai tìm được bàn xoay ở làng gốm cỗ ngàn năm, di sản UNESCO - Ảnh 1.

Các sản phẩm gốm sau khi được tạo hình, phơi nắng để chuẩn bị đưa vào nung

CHÍ NHÂN

Để làm gốm, các nghệ nhân chọn lớp đất sét nằm dưới chân ruộng lúa bên sông Quao, cách làng khoảng 1 km. Đất được mang về trữ trong nhà, đến khi cần dùng mang ra trộn đều và nhào nặn với cát mịn thông thường theo tỷ lệ khoảng 70% đất và 30% cát.

Các công đoạn trộn đất với cát, tạo hình, làm bóng sản phẩm. Mỗi sản phẩm gốm là độc nhất vì toàn bộ đều làm thủ công bằng tay, không cái nào giống cái nào

Điều đặc biệt với làng gốm Bàu Trúc là không sử dụng bàn xoay trong bất cứ công đoạn nào. Vì không có bàn xoay, nghệ nhân hay thợ gốm phải đi vòng quanh trong quá trình tạo hình cho sản phẩm. "Bệ để chế tác sản phẩm thường thấp, nên người thợ gốm phải khom lưng. Vậy nên nhiều người vẫn ví von nghề gốm Bàu Trúc bằng hình tượng "nắn tay, xoay mông". 

Mỗi ngày, một người thợ gốm giỏi làm ra được nhiều sản phẩm có thể đi quãng đường lên đến 10 km", ông Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ gốm chăm Bàu Trúc giải thích.

Đố ai tìm được bàn xoay ở làng gốm cỗ ngàn năm, di sản UNESCO - Ảnh 3.

Gốm Bàu Trúc truyền thống được nung bằng "lò" lộ thiên từ những vật liệu đơn giản như củi, rơm

CHÍ NHÂN

Vì sao thợ gốm Bàu Trúc lại không dùng bàn xoay? Theo ông Đoan, do chất đất không phù hợp. Khi dùng bàn xoay, đất sét ở đây dính chặt nên khi xoay đất sẽ bị chùng xuống, không thể chế tác ra sản phẩm theo ý muốn. Toàn bộ các sản phẩm đều được làm thủ công bằng tay và phương pháp truyền thống từ xa xưa là "nắn tay, xoay mông" nên cả làng sẽ không có cái nào giống cái nào.

Điều thú vị khác là người Chăm nung gốm lộ thiên, không sử dụng lò nung (ngày nay vẫn có nhưng không phổ biến). Họ sẽ tìm một địa thế phù hợp, chất củi bên dưới rồi rơm trấu bên trên. Sau đó sẽ chất sản phẩm theo thứ tự từ nhỏ đến lớn rồi lại phủ rơm, củi lên nung. Thường, việc chuẩn bị nung gốm vào buổi chiều và gốm sẽ được nung qua đêm với thời lượng khoảng 12 đến 14 tiếng. Khi gốm đã chín, nếu có nhu cầu trang trí, nhuộm màu cho sản phẩm, những người thợ sẽ phun màu thực vật lên sản phẩm khi chúng còn nóng.

Dòng gốm Bàu Trúc dùng để trang trí đang phát triển mạnh

Theo ông Đoan, ngoài phân khúc gốm gia dụng, các sản phẩm gốm trang trí của làng đang rất phát triển và xuất khẩu sang một số nước, trong đó đáng kể nhất là Mỹ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khách hàng yêu cầu đất làm gốm phải là đất hữu cơ. "Hiện tại, hợp tác xã chúng tôi đã chuyển đổi sản xuất lúa thông thường sang sản xuất hữu cơ để đáp ứng yêu cầu khách hàng", ông Đoan chia sẻ.

Ninh Thuận thuộc khu vực Nam Trung bộ, cách TP.HCM khoảng 340 km. Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Ninh Thuận đang được rút ngắn khi sắp tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe.

Ngày 29.11.2022, UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO công nhận. 

Ngày 20.6.2017, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch chứng nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.