Độc đáo nghề nuôi le le

22/02/2014 12:32 GMT+7

Mô hình nuôi le le lấy thịt và cho đẻ trứng đang được một nông dân ở An Giang thực hiện thành công, thu lời cả trăm triệu mỗi năm…

 Le le nuôi
Le le nuôi trong môi trường bán hoang dã - Ảnh: Thiên Lộc

Từ am hiểu le le

Cách nuôi le le theo hình thức bán hoang dã của ông Sa Lê (dân tộc Chăm) ở xã Vĩnh Hanh, H.Châu Thành (An Giang) hiện là một trong những mô hình chăn nuôi rất mới ở miền Tây. Theo ông Sa Lê, le le là loài chim nước, chúng thích sống ở bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, nơi có nhiều lung, bàu, đầm lầy hay những khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người. Le le không chỉ biết bay mà còn bơi và lặn rất giỏi. Trong thiên nhiên, le le thường đi ăn thành bầy nhưng khi thấy bóng người chúng lặn hoặc bay rất nhanh.

Sống trong môi trường tự nhiên, le le thường đẻ vào đầu mùa mưa, nhưng nhiều nhất là từ tháng 7 - 8, mỗi con đẻ từ 8 - 15 trứng. Sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn. Người đi làm đồng mỗi khi phát hiện le le thường vây bắt đem về thuần dưỡng, nuôi như nuôi vịt. Le le trưởng thành nặng khoảng 300 gr, trọng lượng chỉ bằng phân nửa vịt trời, nhưng thịt le le ngon, có giá trị kinh tế cao hơn vịt trời. Một chủ trại mua bán động vật hoang dã (chăn nuôi có giấy phép) ở thị trấn Tri Tôn (H.Tri Tôn, An Giang), cho biết một con le le thịt hiện có giá khoảng 400.000 đồng, nhưng rất hiếm nhất là những ngày giáp tết.

… đến hình thành mô hình độc đáo

Thời gian qua, ông Sa Lê tìm cách thu mua le le giống từ nguồn thiên nhiên, đem về nuôi theo kiểu bán hoang dã, đồng thời tuyển chọn ra những con khỏe mạnh cho sinh sản. Theo ông, chuồng nuôi le le phải thoáng đãng, ở giữa có hồ nước rộng, bên trong trồng nhiều cỏ dại như sậy, lục bình, năn, lác để tạo môi trường hoang dã cho le le trú ẩn và tự làm ổ đẻ trứng. Để đề phòng chuột, mèo phá hoại, ông đã bao quanh chuồng một lớp hàng rào lưới dày và chắc chắn. Trước khi thả nuôi, ông còn cắt tỉa bớt lông cánh để le le không thể bay qua khỏi lưới rào.

 Nuôi  le le
Le le trưởng thành - Ảnh:Thiên Lộc

Theo kinh nghiệm của ông Sa Lê, le le con bắt từ thiên nhiên dễ nuôi và mau lớn. Khi sống trong môi trường bán hoang dã, chúng rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị bệnh. Thức ăn chính của le le là lúa, sau 8 tháng nuôi, le le trưởng thành, thương lái tìm đến đặt hàng không đủ cung cấp. Với diện tích chuồng trại 1.000 m2, mỗi năm ông Sa Lê thả nuôi trên 500 con le le, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 100 triệu đồng. Năm nay, ông Sa Lê tăng lên gấp đôi số lượng le le thả nuôi và chờ khi nào giá cao mới giao cho thương lái. Hiện nay, nếu ai có nhu cầu mua con giống, ông sẽ cung cấp và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi. Ông Sa Lê cũng đang nghiên cứu để hoàn thiện mô hình nuôi cho le le sinh sản. 

Thiên Lộc

>> Người đầu tiên nuôi le le ở Tây Ninh
>> Nuôi le le hoang dã làm giàu 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.