Độc đáo 'nghĩa địa' san hô hóa thạch

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/02/2018 06:59 GMT+7

Theo chuyên gia địa chất, “nghĩa địa” san hô vừa tìm thấy ở Quảng Ngãi là một di sản địa chất cấp quốc tế. Nó cũng mở ra khả năng khai thác du lịch.

San hô cối xay, san hô hoa hồng
TS Nguyễn Xuân Nam, Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT), vẫn còn nhớ ông đã nhìn thấy khối san hô hóa thạch tuyệt đẹp ở Lý Sơn lần đầu thế nào. Đó là ngày 16.1.2018, khi ông đang đi cùng TS Ngô Quang Toàn (Hội Địa chất). “Lúc đầu, chúng tôi đi chùa Hang gần đấy thì gặp một khối san hô rất to. Khối đầu tiên cao khoảng gần 2 m, rộng một mét rưỡi, nặng hàng tấn. Tôi nghĩ khối san hô to như thế thì gần đó phải còn có nữa. Từ đó, mới tìm ra được rất nhiều khối như vậy”. Có hơn 20 khối san hô hóa thạch như thế đã được nhóm của ông tìm thấy ở phía đông bắc cột mốc chủ quyền đảo Lý Sơn, gần di sản Hang Cau.
Theo ông Nam, những khối san hô này có hình thù tuyệt đẹp. “Khối đầu tiên đập vào mắt thì giống cái cối xay ở đồng bằng Bắc bộ nên chúng tôi đặt tên nó là san hô cối xay. Không phải thế giới đặt tên san hô cối xay mà chúng tôi đặt đấy. Nhưng hai thầy trò về nhìn lại thì hóa ra nó cũng rất giống bông hoa hồng, đẹp lắm”, ông Nam nhớ lại.
Ông Nam cũng cho biết hiện ông chưa viết báo cáo khoa học hoàn chỉnh về “nghĩa địa” san hô này. “Chúng tôi cũng đang làm thủ tục phân tích mẫu ở nước ngoài rồi sau đó mới viết báo cáo khoa học, vì còn liên quan đến tuổi. Tuổi tuyệt đối của san hô cối xay thì phải mang đi nước ngoài phân tích, nhưng sơ bộ dự đoán nó độ 5.000 - 6.000 năm tuổi”, ông Nam nói.
Hóa thạch san hô ở Lý Sơn - di sản cổ sinh độc nhất vô nhị Ảnh: Nguyễn Xuân Nam
Giá trị toàn cầu
Cũng theo ông Nam, loại hình san hô như thế này cực kỳ hiếm trong nước, trên thế giới cũng chưa thấy. “Cái này là di sản địa chất cấp quốc tế đấy. Chúng tôi cũng tìm trên rất nhiều trang web về địa chất khoáng sản mà chưa thấy nơi đâu có loại san hô tuyệt vời như thế”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nam đánh giá với nhiều giá trị sẵn có, nay lại có thêm “nghĩa địa” san hô, Lý Sơn sẽ được vào danh sách công viên địa chất toàn cầu. “So với công viên địa chất Đồng Văn thì cái này đa dạng hơn nhiều. Công viên đá chỉ có đá. Còn ở đây thì đa dạng lắm, nào là núi lửa cổ, san hô, bãi biển cực kỳ đẹp, các giai đoạn phun trào núi lửa…”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, có điều đáng tiếc là người dân trước đây không biết về giá trị của các khối san hô này nên có những khối san hô đã bị nghiền ra để bón tỏi, hoặc nung vôi.
Theo ông Nam, hơn 20 khối san hô cối xay đã được gom lại. “Tôi cũng đề xuất gom vào rồi, xếp lại, tạo thành công viên ở đó. Sau này, nó sẽ là một điểm tham quan lý thú khi Lý Sơn có công viên địa chất toàn cầu”, ông gợi ý. “Tôi đang hy vọng ở ngoài khơi còn có nữa, và san hô ngoài khơi có thể còn đẹp hơn, thậm chí có thể có cả san hô sống. Chúng tôi cũng đã khoanh vùng được những nơi có thể có những khối san hô còn sống. Lặn biển ngắm những khối đó rất thú vị. Sẽ đẹp tuyệt vời khi chúng ta có san hô cả ở dưới nước lẫn trên bờ để làm công viên”, ông Nam hào hứng.
Bảo tồn khẩn cấp
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bảo tồn khẩn cấp di sản “nghĩa địa” hóa thạch san hô hình cối xay ở đảo Lý Sơn, ngày 1.2, UBND H.Lý Sơn cho biết đã giao UBND xã An Hải khẩn trương kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các hoạt động đào bới, đổ vật liệu xây dựng tại khu vực phát hiện các hóa thạch san hô. Song song đó, tiến hành hợp đồng với tổ chức và cá nhân bảo vệ di sản “nghĩa địa” hóa thạch san hô hình cối xay, các hóa thạch tại chỗ phục vụ các nhà khoa học điều tra, khảo sát, nghiên cứu khoa học về địa chất, địa mạo núi lửa biển trên đảo Lý Sơn.
Hiển Cừ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.