Các hoa văn được chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, xiên, trính và trên các vách, cửa, các bao lam đều mang đậm phong cách đặc trưng Nam bộ. Được xây cất vào khoảng năm 1838, tồn tại qua 3 thế kỷ và trải qua hàng chục năm chiến tranh, nhưng hầu hết vật dụng trang trí trong nhà như các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng, khảm xà cừ độc đáo vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Vào năm 1998, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tài trợ kinh phí hơn 2 tỉ đồng để sửa chữa lại ngôi nhà này, đồng thời cử một nữ kiến trúc sư người Nhật đến ăn, ở tại chỗ để giám sát công việc sửa chữa trong suốt hơn 6 tháng. Theo đó, các chuyên gia Nhật đã cho phục chế lại toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và vật dụng trang trí bên trong nhà theo nguyên bản, kể cả phần vách mặt tiền là chấn song gỗ theo kiểu xưa. Nhà này hiện do ông Trần Tuấn Kiệt thừa kế, quản lý và đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều năm qua. Được biết, Tiền Giang hiện còn 355 ngôi nhà xưa, trong đó khoảng 100 ngôi nhà còn sử dụng tốt, đa số đều được xây cất vào đầu thế kỷ 20 và một số vào cuối thế kỷ 19 với lối kiến trúc rất độc đáo.
|
Một trong những ngôi nhà xưa được xây dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 đến nay vẫn còn sử dụng tốt và có nhiều tên gọi khác nhau là nhà Đốc phủ Hải tọa lạc tại phường 1, thị xã Gò Công, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1994. Theo nhiều tài liệu cũ thì ngôi nhà này đầu tiên do bà Trần Thị Sanh, là vợ thứ của anh hùng Trương Định cất vào khoảng năm 1860 và ở cùng với người con gái tên là Dương Thị Hương. Lúc đầu ngôi nhà này cất theo kiểu chữ đinh với 3 gian lợp lá. Sau đó bà Sanh sửa chữa lại và lợp bằng ngói âm dương. Khoảng năm 1865, khi chồng bà Hương là tri huyện Huỳnh Đình Ngươn cho sửa chữa lại ngôi nhà này thì gọi là nhà bà Huyện. Đến khoảng năm 1890, Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (là con rể bà Hương) về đây ở đã cho xây thêm tiền sảnh và hai nhà vuông ở hai bên phía sau nhà chính thì từ đó có tên là nhà Đốc phủ Hải.
Nhà Đốc phủ Hải được thiết kế có 3 phần gồm nhà chính với diện tích hơn 533m2, 2 nhà vuông 196m2 và lẫm chứa lúa. Trong đó nhà chính gồm 3 gian, 2 chái lợp ngói âm dương với 36 cây cột bằng gỗ căm xe và gõ. Các vật dụng trang trí trong nhà gồm nhiều khuôn biển và các bộ bao lam bằng gỗ được chạm khắc công phu với các đề tài tứ linh, tứ quý và các bộ liễn thờ, liễn treo cột khảm xà cừ độc đáo. Ngoài ra trên các đầu cột và vòm cửa được chạm nổi hoa văn, các cây xiên, trính được chạm ba mặt và ở hai đầu. Trên đố và vòm cửa còn được trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc, thể hiện nhiều đề tài khác nhau như tứ quý, chim, thú, hoa, trái…
Tại ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, có ngôi nhà của Hội đồng Cự được xây cất trên diện tích 1.000m2, mái lợp ngói, nền lót gạch da qui, với 140 cây cột bằng gỗ loại gõ. Theo người nhà đang thừa kế thì ngôi nhà này được xây cất vào khoảng năm 1880. Khi đó ông Hội đồng Cự đã mua gỗ từ miền Trung chở về và thuê 40 thợ từ miền Trung và miền Bắc vào làm trong suốt 4 năm mới hoàn chỉnh. Nét độc đáo của ngôi nhà này là toàn bộ đều sử dụng tán gỗ, chốt gỗ chớ không sử dụng đinh như thông thường. Toàn bộ xiên, trính đều được chạm trổ 3 mặt. Đến đầu thế kỷ 20 nhà được xây thêm thềm ba bằng gạch thẻ và hồ ô dước, đồng thời trang trí thêm hoa văn kiểu Pháp. Hiện ngôi nhà này cũng còn lưu giữ rất nhiều vật dụng trang trí xưa như khuôn biển, liễn đối, tranh thờ… rất độc đáo.
Hoàng Phương
Bình luận (0)