|
Giữ nhà cổ trên đất quê
Đó là ý nguyện của chủ ngôi nhà cổ có 108 cây cột - ngôi nhà dân gian truyền thống được cho là lớn nhất Việt Nam trước khi chuyển nhượng cho ông Lê Văn Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP nhà Việt Nam (Vinahouse) tại H.Điện Bàn (Quảng Nam). Theo ông Vĩnh, xét về quy mô, nhiều căn nhà cổ khác trên cả nước có thể “khổng lồ” hơn ngôi nhà này. Chẳng hạn như, ngôi nhà trăm cột hình chữ Đinh (tại Long An). Tuy nhiên, nếu xét về nhà cổ truyền thống được phục chế nguyên bản lớn nhất nước đến thời điểm hiện tại thì chỉ có thể là căn nhà cổ mà ông mua được. Đây được xem là nhà “đinh” của bộ sưu tập nhà của ông Vĩnh.
Nguyên căn nhà này thuộc sở hữu của bà Trần Thị Thao (trú thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, H.Đại Lộc) với kiểu thức thiết kế “tam gian tứ hạ” (tức nhà 3 gian, 2 chái kép) với niên đại trên 200 năm và được truyền qua 7 đời. Ngôi nhà 200 năm tuổi này được phục chế trong vòng 3 năm với mức độ nguyên bản trên 90%. Giá trị nghệ thuật hầu như còn nguyên vẹn ở những nét hoa văn, chạm khắc trên gỗ, trên từng viên đá, gạch. Theo ông Lê Văn Vĩnh, điểm độc đáo và khác biệt nhất của ngôi nhà là nằm ở 32 cây cột vòng ngoài cùng của ngôi nhà. Những cây cột này có hình dáng vuông, được làm hoàn toàn bằng đá sa thạch có ở những vùng núi ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên. “Trên mỗi cây cột đều có những nét chạm trổ sắc sảo, hoa văn tinh tế. Đây là ngôi nhà đầu tiên và duy nhất mà tôi phát hiện được thiết kế có các cột đá. Do vậy, giá trị nghệ thuật không chỉ nằm ở các cấu kiện gỗ mà còn nằm ở sự khác biệt ở chính những cột đá này”, ông Vĩnh nhận định.
Ngôi nhà tranh tre còn lại
Ngôi nhà này có niên đại 104 năm, được phục chế ròng rã trong vòng 1 năm trời dưới bàn tay của 2 người thợ cao niên là nhà tre, lợp tranh điêu luyện của xã Đại Minh (H.Đại Lộc, Quảng Nam). Trước khi ông Vĩnh mua rồi đem vào bộ sưu tập của mình, căn nhà là của bà Phạm Thị Số (trú tại thôn Bồng Lai) với kiểu thức nhà tranh tre “một gian hai chái”. Ông Vĩnh cho biết: “Loại hình nhà này hầu như đã “xóa sổ”. Nên khi phát hiện ra, tôi đã tư vấn cho chủ nhà cách bảo quản, gìn giữ. Đến khi họ sẵn sàng bán là tôi mua ngay”. Theo ông Vĩnh, ngôi nhà “độc” không chỉ đẹp về mặt kết cấu, kiến trúc với hai hàng cườm được kết bằng dây mây kéo dọc chiều dài thân nhà mà nó còn mang phong vị đậm chất vùng quê xứ Quảng. Trong ngôi nhà này vẫn còn giữ được những vật dụng cổ bằng gỗ như: tủ, bàn, phản… Đặc biệt, căn bếp đứng nguyên mẫu nông thôn Quảng Nam hơn 100 năm về trước vẫn còn rất tốt.
|
Ông Vĩnh thông tin thêm, ngôi nhà được phục chế cũng bởi bàn tay những người già còn lại biết cách dựng và đan tre ở thôn Bồng Lai. Thế nên khi đưa vào trưng bày trông ngôi nhà không khác xưa là bao. Theo ông Vĩnh, mỗi ngôi nhà đều đẹp từng nét riêng nhưng nếu ngôi nhà 108 cột là “nhà đinh” của bộ sưu tập thì ngôi nhà tranh tre thuộc hàng “nhà độc”. Hiện tại Quảng Nam vẫn còn một ngôi nhà dạng này tại H.Điện Bàn nhưng chỉ còn tre chứ không còn tranh. Chủ nhà vì biết được giá trị khung nhà nên đã mua tôn về lợp thay cho lá tranh để bảo tồn ngôi nhà.
Đầu năm 2014, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã quyết định công nhận ngôi nhà tranh tre là “Ngôi nhà tranh tre thuần Việt được phục dựng theo kiến trúc cổ nhất Việt Nam” và kỳ lục “Ngôi nhà tam gian, tứ hạ Quảng Nam được phục dựng với kích thước lớn nhất và nhiều cột nhất Việt Nam” cho ngôi nhà 108 cột.
Hoàng Sơn
>> Cơ chế đặc biệt cho nhà cổ Hội An
>> Ngôi nhà tranh tre lập kỷ lục Việt Nam
>> Phục dựng ngôi nhà tranh tre cổ nhất Việt Nam
Bình luận (0)