Cụ Y Kong biểu diễn với Bhơlưa - Ảnh: Diệu Hiền |
Bảo tàng sống nhạc cụ C’tu
May mắn cho người viết khi được gặp gỡ với già Y Kông (Tống Cói, xã Ba, H.Đông Giang, Quảng Nam). Dù đã xấp xỉ tuổi 85, nhưng già vẫn vô cùng rắn rỏi, nhanh nhẹn và minh mẫn. Người C’tu Quảng Nam luôn xem già Y Kông như là bảo tàng sống về văn hóa C’tu, đặc biệt là việc sưu tầm, lưu giữ, chế tác và sử dụng hầu hết các loại nhạc cụ của người C’tu từ những ngày xa xưa cho tới nay. Bỏ bao nhiêu thời gian cho già Y Kông cũng thấy không đủ, bởi ngồi nghe già sử dụng những nhạc cụ người C’tu, nói những câu chuyện kỳ bí của các loại nhạc cụ, là quên cả thời gian...
Thứ nhạc cụ đầu tiên và cũng khiến già Y Kông thấy thích thú nhất đó là Bhơlưa. Thoạt trông, Bhơlưa rất giống tù và, nhưng giữa 2 loại nhạc cụ này có rất nhiều khác biệt. Bhơlưa-loại nhạc cụ quan trọng nhất của người C’tu được chế tác từ sừng trâu. “Nhưng phải chọn sừng của con trâu đực khỏe mạnh nhất mới có thể làm được Bhơlưa cho thôn làng. Việc tuyển chọn trâu để có được một chiếc Bhơlưa ưng ý không phải dễ dàng. Nếu không thận trọng chọn lựa, sẽ gây không ít xui xẻo cho người trong làng, người C’tu quan niệm vậy”, già Y Kông giải thích. Sừng trâu được làm khô, mài bóng. Ở giữa thân sừng trâu, đục một lỗ hình chữ nhật dài, bỏ lưỡi gà để làm lỗ thổi. Lưỡi gà này được làm bằng thân cây đót già lấy trong rừng sâu, chặt ra, phơi khô, mang về làm, bởi nó làm cho tiếng kêu vang vọng và rất chắc, để lâu đời cũng không suy suyễn gì. Như để chứng minh, già Y Kông cầm Bhơlưa lên thổi, âm thanh phát ra ngân nga vang vọng cả một không gian rộng khắp, nghe như những âm thanh núi cao, rừng sâu đang cùng nhau tụ hội về, khiến lòng người bỗng rộn ràng, vui tươi...
Và đặc biệt với Bhơlưa, không phải bất cứ ai cũng có thể thổi loại nhạc cụ này. Người thổi Bhơlưa không chỉ đơn giản là người biết thổi, mà phải là người có sức vóc, khỏe mạnh, gia đình hòa thuận êm ấm. Mỗi làng chỉ chọn được một người để thổi Bhơlưa trong các dịp lễ lạc của làng. Mỗi khi âm thanh từ Bhơlưa vang lên, thứ tiếng vang ngân nga, bay bổng trở thành một thông điệp tốt lành và yên ấm cho người dân C’tu trong khắp buôn làng. Và từ âm thanh phát ra, theo người C’tu, thần linh sẽ nghe thấy và xuống chung vui, chia phúc cho mọi người trong làng. Mọi người cùng nhau vui đùa, say sưa nhảy múa, ăn uống vui vẻ, và tin tưởng vào cuộc sống tương lai...
Điều cấm kị của Bhơlưa
Bhơlưa vốn chỉ được sử dụng vào những lễ hội lớn có đâm trâu (lễ cúng thần linh đất đai cho được mùa, lễ cưới lớn...). Chỉ những ngày cả buôn làng thực sự vui vẻ thì Bhơlưa mới được mang ra thổi như một sự xưng tụng niềm vui, sự an lành. Đối với người C’tu, trong những ngày bình thường, thổi Bhơlưa là một điều tuyệt đối cấm kị. Nếu không có đâm trâu, mà nhà nào thổi Bhơlưa, tức là đã mang đến xui xẻo cho buôn làng. Bởi, theo già Y Kông, nếu thổi vậy, thần linh sẽ về và không thấy lễ hội gì sẽ nổi giận, trừng phạt người trong làng.
Già Y Kông kể, đã có không ít trường hợp do không biết thổi Bhơlưa vào ngày bình thường mà không phải lễ lạc gì, thì lập tức người trong làng đổ về và bắt phạt. Nếu ở buôn làng trong tháng đó có người chết, người đau ốm, thì nhất định, người thổi Bhơlưa sẽ bị bắt bồi thường, vì người dân một mực cho rằng đó chính là nguyên nhân gây nên sự bất hạnh đó. Hủ tục ấy, người dân C’tu không ai dám phạm phải. Vì vậy, tuyệt nhiên không ai trong làng sắm Bhơlưa để ở nhà, trong mỗi buôn làng chỉ có một cái để dùng vào dịp lễ lạc.
“Giờ, thanh niên trai tráng người C’tu không phải ai cũng giỏi thổi Bhơlưa. Kiếm được một người để thổi không phải chuyện đơn giản. Không chỉ thổi cho đúng bài bản, mà phải thổi sao cho ngân nga, lay động cả núi rừng, cảm động cả thần linh. Tôi nghĩ Bhơlưa là một trong những điều kì diệu của người C’tu, nó bổ trợ rất nhiều cho cuộc sống của dân làng. Nếu mai này mai một, thật là không gì đáng tiếc bằng...”, già Y Kông vừa nói, vừa vuốt ve Bhơlưa mà ông dày ông sưu tầm mấy chục năm trước, giọng đầy xúc động và luyến tiếc...
Diệu Hiền
Bình luận (0)