Với những đôi đang yêu nhau, sáo aluốt là một trong những nhạc cụ “giỏi” thể hiện những tình cảm yêu thương chân thành - Ảnh: Diệu Hiền |
Du dương tiếng aluốt
|
Sáo aluốt được làm bằng ống tre nứa, phải là loại trẻ già, có độ bóng, bền cao... Khi chọn tre để làm aluốt, phải hạ cả vài chục cây tre nứa, mới chọn được một đoạn ưng ý, nên aluốt nổi tiếng với người C’tu là vậy. Trên thân sáo aluốt có 10 lỗ, trong đó có một lỗ chính. Nhưng không giống như những cây sáo thường thấy, cây aluốt của người C’tu vốn không thổi trên thân sáo mà thổi ở một đầu sáo aluốt. Khi thổi, tiếng aluốt vang vọng, du dương trong đêm đen tĩnh mịch của núi rừng. Sáo aluốt thường được những chàng trai C’tu thổi để sẻ chia tâm sự của mình với những cô gái mà mình yêu mến. “Nam nữ C’tu cũng rất nhiều đôi yêu nhau qua tiếng thổi aluốt. Những chàng trai giỏi thổi aluốt cũng có rất nhiều cô gái đi theo, thậm chí tìm đến tận nhà để trêu ghẹo, đeo đuổi!”, già Y Kông tủm tỉm cười trong tiếng aluốt vang vọng, lắng đọng xung quanh... Và với những đôi đang yêu nhau, sáo aluốt cũng chính là một trong những nhạc cụ “giỏi” thể hiện những tình cảm yêu thương chân thành giữa hai bên cho nhau.
Không chỉ là vật chia sẻ tình cảm của những chàng trai trẻ C’tu, aluốt còn là một người bạn tâm giao của những cụ già người C’tu ở các làng mạc của vùng cao Quảng Nam. Vào những buổi chiều tà, khi hoàng hôn lịm dần sau những rặng cây, những cụ già bắt đầu mang aluốt ra thổi, để ngồi ôn lại những quãng đường đời mình đã trải qua, khi vui thì aluốt vang tiếng rộn rã, lúc khó khăn thì aluốt trầm trầm, và lúc buồn bã thì tiếng aluốt sầu thảm... Nhờ có cây sáo aluốt bầu bạn, tuổi già của những người lớn tuổi ở vùng núi rừng cũng bớt đi sự hiu quạnh...
Những cây sáo giàu xúc cảm
Nếu aluốt, là tiếng lòng của nam giới dù già hay trẻ, thì sáo cơrơtoóc lại là một cây sáo đặc biệt khác. Không dễ để có thể thổi được loại sáo này bởi nó hoàn toàn không có lỗ bấm. Khi tiếng sáo vang lên, giai điệu như chim hót, như tiếng suối chảy róc rách trong veo. Thậm chí, những loài chim rừng đều bị đánh lừa, bởi tưởng đó là tiếng hót của đồng loại mình. Không chỉ dùng để bẫy chim chóc, tiếng cơrơtoóc còn được xem như một loại nhạc cụ dùng để hòa tấu với những nhạc cụ khác trong những lễ hội quan trọng, để âm thanh của muông thú cùng hòa nhịp, tạo nên âm nhạc đặc trưng của vùng núi cao, rừng sâu. Còn ahel cũng là một loại sáo được làm bằng tre, trên thân có khoét 3 lỗ hình chữ nhật, và 1 lỗ ở phần dưới thân. Một đầu sáo được khoét 1 lỗ hình chữ nhật để đặt lưỡi gà (làm bằng tre, được vuốt mỏng mảnh). Còn sáo tơrel lại là loại sáo được khoét trên thân 3 lỗ hình tròn, một đầu sáo được bịt kín bằng da thú. Cả ahel và tơrel đều là những nhạc cụ không thể thiếu trong những lễ hội cộng đồng của người C’tu. Và trong những lễ hội này, với những người con trai đã tỏ rõ tình yêu của mình dành cho người con gái, thì phải biết thổi ahel, tơrel, không phải chỉ dành cho người con gái mình yêu, mà thể hiện tình yêu của mình trước mọi người tham gia lễ hội. Với các cô gái, trong quan niệm về cái đẹp, sự tài giỏi của một người đàn ông, không chỉ đơn thuần là săn bắt, làm nương rẫy giỏi; mà thế mạnh của người đàn ông còn phải thông qua việc sử dụng giỏi các loại sáo trên chính là một trong những tiêu chuẩn được đánh giá cao. Và giữa một người đàn ông giỏi thổi sáo và một người đàn ông giỏi việc săn bắt, thì tình cảm của người con gái vẫn dành cho người thổi sáo giỏi nhiều hơn.
Diệu Hiền
Bình luận (0)