Vừa tranh thủ lau chùi những dàn rối điện để đem đi trình diễn phục vụ đám cưới, ông Thân vừa cho biết ông bắt đầu chơi và thích thú với những con rối từ năm lên 15 tuổi. Niềm đam mê ấy lớn dần, khi thành thạo các ngón nghề điều khiển con rối, ông được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê của địa phương trong niềm vui sướng khôn tả. Thế nhưng, chỉ được ít năm sau, đất diễn của loại hình nghệ thuật này đã dần bị thu hẹp, đoàn múa rối nước cũng giải thể.
Vì thế, chẳng con ai chơi rối nữa. Một mình ông Thân chỉ có thể điều khiển 1 - 2 con rối chứ không tài nào điều khiển cả dàn rối để làm nên một vở diễn. “Thấy nhiều người vẫn thích xem rối mà bỏ đi thì tiếc quá. Năm 2000, tôi quyết định chế tạo dàn rối tự động chạy bằng điện để tất cả các nhân vật biểu diễn cùng lúc theo một hoạt cảnh dựng sẵn cho con cháu xem”, ông Thân nói.
Để thực hiện ý tưởng của mình, ông Thân tìm mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng từ cửa hàng đồng nát về làm khung, các nhạc cụ rồi tạo hình các nhân vật. Để các nhân vật trên cùng một dàn rối hoạt động đúng điệu bộ theo nhạc, ông phải sử dụng một mô tơ chính cùng rất nhiều mô tơ phụ và các trục chuyển động bánh răng điều tiết độ nhanh, chậm cho từng nhân vật. Đây cũng là khâu khó và mất nhiều thời gian nhất.
Sau hơn 1 tháng mày mò chế tạo, 1 dàn rối điện gồm 10 nhân vật tự động nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển đầu tiên của ông Thân được xuất xưởng trước sự thán phục của bà con làng trên xóm dưới.
tin liên quan
Nghệ thuật múa rối trên bộ tem VN - Thái LanBộ Thông tin - Truyền thông và Tổng công ty bưu điện VN vừa phát hành bộ tem đặc biệt tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Thái Lan (ảnh).
Gìn giữ nét văn hóa lâu đời
Thấy người dân thích thú, kéo nhau đến nhà xem dàn rối điện của mình biểu diễn ngày một đông, ông Thân có thêm động lực để chế tạo các dàn rối khác, thỏa mãn niềm đam mê. Đến nay, lão nông này đã chế tạo được 15 dàn rối điện với các điệu nhạc từ độc tấu đàn bầu, nhảy sạp, nhạc Tây nguyên, nhạc then, múa nụ xòe, bộ gõ... cho đến những dàn nhạc trẻ, nhạc đám cưới để phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau. Không chỉ được khen ngợi, từ hơn 4 năm qua, những dàn rối điện của ông Thân cũng nhận được rất nhiều lời mời đi biểu diễn lễ hội, đám cưới ở khắp nơi.
Theo bà Trần Thị Hương (73 tuổi, ngụ tại P.Quỳnh Thiện, TX.Hoàng Mai), những dàn rối điện của ông Thân không những góp phần giữ gìn nét văn hóa lâu đời của quê hương mà còn đem lại niềm vui và thích thú cho nhiều người. Từ việc kéo nhau đến xem vì lạ lẫm, tò mò, nay những dàn rối điện của ông Thân lại thu hút rất nhiều người dân đến xem vào những ngày nghỉ cuối tuần để giải trí.
Ông Thân cho biết, những dàn rối có kích thước khá lớn nên việc lưu giữ trong nhà kho rất bất tiện. “Mỗi lần có người đến chơi, muốn xem rối, tôi lại phải lấy các dàn dối điện ra rồi kéo điện mở cho họ xem, xong lại cất vào nên mất thời gian lắm”, ông Thân nói và cho biết sẽ mở rộng khuôn viên của gia đình thành một khu trưng bày rối điện, phục vụ khán giả. Và sắp tới ông sẽ được đầu tư “thay áo” mới cho những dàn rối điện đã cũ kỹ theo thời gian, cộng với việc di chuyển đi biểu diễn nhiều nên những con rối bắt đầu hư hỏng.
Bình luận (0)