Độc đáo rừng lá phong và ngôi nhà 132 mái ở Đà Lạt

28/05/2017 15:49 GMT+7

Sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị, Công ty TNHH Vĩnh Xuân (Đà Lạt) chính thức 'trình làng' khu rừng cây lá phong và ngôi nhà 132 mái độc đáo.

Nằm ở cuối đường Đặng Thái Thân (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), khu du lịch (KDL) Lá Phong Đà Lạt được xây dựng trên diện tích rộng hơn 4,8 ha. Nơi đây gây ấn tượng với người xem bằng những mảng xanh mướt mắt cùng những công trình kiến trúc độc đáo.
Khu vực này được xây dựng từ ý tưởng của chủ nhân là muốn có một “vườn địa đàng” nhỏ bên trong khu “vườn địa đàng” lớn là TP.Đà Lạt và họ mất một thời gian dài với tổng số tiền đầu tư lên đến 100 tỉ đồng mới hoàn thiện xong.
Toàn cảnh ngôi nhà 132 mái Ảnh: Trọng Lê
Bên trong KDL trồng hơn 2.000 cây lá phong, trong đó có nhiều cây hơn 10 năm tuổi và 20.000 cây tùng bút, 500 cây anh đào cùng hàng trăm cây lá kim của Đà Lạt như thông hai lá dẹt, thông năm lá, pơ mu, bạch tùng, hồng tùng, thông đỏ, du sam, bách xanh, hoàng đàn giả, thông tre… Có một chút tiếc nuối vào thời điểm này, bởi chưa phải mùa thu nên rừng cây lá phong ở đây toàn màu xanh của lá, vì vậy du khách muốn có cảm giác về một mùa thu châu Âu ngay tại Đà Lạt với sắc thu vàng, đỏ rực thì phải chờ một thời gian nữa mới được “tận hưởng”.
Không chỉ cây cối, những công trình kiến trúc bên trong KDL này cũng được xây dựng ấn tượng, lạ mắt gắn với ý đồ xây dựng nên ''vườn địa đàng''. Từ cổng quần long hội tụ, nhà trống, nhà mái, nhà nấm, suối địa đàng, suối mơ, đến địa đàng trong lòng đất, đường hào hoa… đều gắn liền với những chuyện cổ tích.
Theo bà Lê Thị Ngọc Trinh, chủ nhân KDL, ngôi “nhà trống” có 20 “mặt trống” làm bằng kính chịu lực, mô phỏng những bức tranh mặt nước sẽ tạo ra nhiều hình ảnh và màu sắc khác nhau khi cường độ ánh sáng bên ngoài khác nhau, đặc biệt là lúc bình minh hay hoàng hôn…
Nằm bên cạnh “nhà trống” là ngôi “nhà mái” - công trình được bắt đầu xây dựng từ năm 2015 và mới hoàn thành, với 132 mái biểu tượng của 132 chiếc lá phong trên nền một kim tự tháp còn được gọi là kim tự tháp lá phong. 
Dưới “nhà trống” của KDL còn có đường hầm ra đến cổng, được bố trí thành khu hostel dưới lòng đất với sức chứa 60 người. Công trình có kiến trúc dạng phố cổ với các mái hiên, cửa sổ, đèn đường. Dọc “phố cổ”’ là 148 bức tranh về các loài hoa dại của Đà Lạt, xen lẫn là những tượng đất nung.
Một góc phía ngoài của ngôi nhà 132 mái Ảnh Gia Bình
Du khách tham quan ngôi nhà 132 mái Ảnh Gia Bình
Toàn cảnh ngôi “nhà trống” Ảnh Gia Bình
Quầy bar trong lòng đất Ảnh Gia Bình
Khu nhà nghỉ dành cho du khách dưới lòng đất Ảnh: Gia Bình
Hình tượng Adam và Eva đang tắm ở suối địa đàng Ảnh Gia Bình
Cổng quần long hội tụ của KDL Ảnh Gia Bình
Dù mới ra đời, nhưng KDL này được kỳ vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm điểm đến, tạo thêm sản phẩm du lịch mới cho thành phố mộng mơ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.