“Trường của bà nội” Aajibaichi Shaala nằm ở ngôi làng Fangane, Ấn Độ. Nhờ có ngôi trường này, nhiều cụ bà chưa một lần được đến trường lại có cơ hội được đi học, để biết đọc, biết viết.
Tại trường Aajibaichi, học trò sẽ đi học 2 tiếng vào các buổi chiều 6 ngày trong tuần. Lớp học là căn phòng nhỏ được dựng dưới tán cây giữa làng. Sở dĩ lớp học được diễn ra vào buổi chiều để những phụ nữ này có thể hoàn thành việc nhà, hay việc đồng áng trước khi đến lớp.
Để được ghi danh học ở trường này, học sinh đòi hỏi phải là... người từ 60 tuổi trở lên.
Cụ bà Kamal Keshavtupange, 60 tuổi, vừa giặt áo quần, vừa chia sẻ với Reuters rằng: “Tôi rất muốn được đi học”.
Bà Keshavtupange nói rằng: “Đầu gối tôi bị đau nên không thể ngồi trên sàn nhà lâu được. Nhưng không sao hết, tôi vẫn đi học đều đặn”.
Trường này được thành lập vào đúng ngày 8.3 cách đây một năm. Đồng phục của trường này là saree màu hồng. “Các bà nội” sẽ phải băng qua con đường đầy bụi để tới được lớp học.
|
|
Cụ bà Drupada Pandurangkedar, 70 tuổi, kể: “Đầu tiên tôi phải làm hết việc nhà rồi mới tới trường. Thật là vui khi làng chúng tôi có trường học này”. Cụ bà đã có cô cháu nội 8 tuổi đang học ở một trường tiểu học công lập tại Fangane.
Sau khi cầu nguyện xong, những cụ bà sẽ bắt đầu bài học bằng bài tập viết.
Lớp học cũng có đồ dùng dạy học như bảng lớn để những học trò mắt yếu vẫn thấy được. Nhiều đồ dùng học tập còn do chính các học trò tạo nên.
Cô giáo Sheetal Prakash More, 30 tuổi, cho biết cô rất vui nếu phụ nữ ở các làng khác cũng có cơ hội đi học như thế này. Cô chia sẻ rằng: Với trẻ nhỏ, bạn có thể lớn tiếng hay trách mắng, nhưng với những người lớn tuổi, giáo viên phải thật kiên nhẫn và yêu nghề thật nhiều mới làm được. Giáo viên phải giảng đi giảng lại nhiều lần, thậm chí có học trò phải đến thật gần, kề tai nói cho họ nghe vì thính giác đã không còn tốt.
|
“Nếu như các thầy cô giáo khác dạy dỗ cho trẻ em thì chỉ có tôi - lại có cơ hội dạy cho những cụ bà”, cô More chia sẻ, “Đó là cơ hội tuyệt vời và tôi rất vui vì được dạy họ biết đọc, biết viết”.
Theo điều tra dân số mới nhất, tính đến năm 2011, tỷ lệ người biết chữ ở Ấn Độ đã tăng lên 74% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên tỷ lệ này đối với nữ giới lại thấp hơn nhiều so với nam giới. Điều tra dân số cho thấy khoảng 65% nữ giới được ăn học, trong khi tỷ lệ ở nam giới là 82%.
Các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu nước này đã chỉ trích tình trạng trọng nam khinh nữ, coi trọng bé trai hơn bé gái. Tảo hôn được coi là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất học ở giới nữ cao.
|
Bình luận (0)