Xuất thân là sinh viên ngành kiến trúc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nên anh Duy Thành rất khéo tay và yêu thích làm những món đồ thủ công mang tính nghệ thuật. Từng tiếp xúc với các vật liệu như: nhựa resin, thạch cao… để làm mô hình nhà, nên anh Thành đã suy nghĩ kết hợp những chất liệu này tạo thành tác phẩm thủ công nghệ thuật. Theo anh Thành, những chiếc hộp chứa đựng biển cả có tên gọi chung là diorama (mô hình thu nhỏ của một vật hay cảnh quan nào đó).
“Mình làm dạng tranh mô phỏng biển cả từ nhựa resin, thạch cao… khoảng 3 năm rồi, nhưng để thu nhỏ vào những chiếc hộp thì chỉ mới 2 tháng. Sau thời gian mở các lớp làm đồ thủ công, mình nhận thấy mọi người không có quá nhiều thời gian để thực hiện tác phẩm lớn nên đã nghĩ ra mô hình nhỏ trong chiếc hộp và chỉ mất khoảng 2 ngày để hoàn thành”, anh Thành chia sẻ.
Theo anh Thành, để tạo ra một chiếc hộp có chứa mô hình biển cả bên trong cần phải xác định được bối cảnh, ví dụ như bãi biển vào mùa nào trong năm. Từ đó sử dụng thạch cao để tạo hình đồi núi, để khô khoảng 15 phút rồi tô màu acrylic. Bước kế tiếp là cố gắng mô phỏng một cách giống nhất quang cảnh cây cỏ, bãi cát… và cuối cùng là đổ nhựa resin vào để tạo thành nước biển.
Tham gia lớp mô phỏng biển trong một chiếc hộp do anh Thành tổ chức, Lê Văn Hiền (28 tuổi, giáo viên dạy vẽ tự do tại H.Hóc Môn, TP.HCM), cho biết: “Mình vô tình xem được bài đăng trên mạng và thấy rất thích thú với mô hình thu nhỏ. Trước đó mình cũng từng học khóa vẽ cá 3D của Thành và thấy anh có tâm, tận tình. Thêm nữa, mình rất đam mê làm đồ thủ công vì được sáng tạo, sẽ tận dụng những điều được học để áp dụng vào các buổi dạy vẽ cho học sinh”.
Theo Hiền khi làm mô hình thu nhỏ thì khó nhất là bước đắp và tạo dáng núi bằng thạch cao, phải cố gắng làm cho giống như thật. Sau 2 buổi tham gia lớp học, thì Hiền cảm thấy thư giãn, có được sản phẩm đẹp và thỏa đam mê với việc làm đồ thủ công nghệ thuật.
Công việc bác sĩ vốn nhiều áp lực, nên anh Phạm Sỹ Nguyên (30 tuổi, đang làm việc tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tìm đến với lớp học làm mô hình thu nhỏ để có những giây phút thư giãn. Ban đầu anh Nguyên cũng lo sợ bản thân không khéo tay nhưng sau khi nhận được sự hướng dẫn nên đã hoàn thành tốt tác phẩm của mình.
“Đối với mình bước khó nhất là dùng dao khắc tạo chi tiết đá vì phụ thuộc vào độ cứng của thạch cao, nếu quá cứng sẽ khó thao tác và không tạo được nét, còn ướt quá thì dễ gãy, mất mảng lớn, hỏng cấu trúc ban đầu dự tính. Sau 2 buổi tham gia mình cảm thấy tinh thần rất sảng khoái, hài lòng vì tác phẩm của bản thân”, anh Nguyên chia sẻ.
Vì tính chất công việc cần nhiều sự sáng tạo và có sở thích hay viết, vẽ, làm đồ thủ công, nên cuối tuần thay vì đi cà phê, mua sắm… Vũ Nguyễn Ngọc Hân (27 tuổi) làm việc tại 152 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, thích tham gia lớp học làm mô hình thu nhỏ để thư giãn và khơi gợi cảm hứng mới.
“Cảm giác rất thích thú khi mình có thể tạo ra thế giới thu nhỏ trong 1 chiếc hộp. Lúc làm mình hoàn toàn thả lỏng đầu óc, không đặt nặng việc sáng tạo, nhưng sản phẩm cuối cùng lại thể hiện lên suy nghĩ và cảm xúc của mình”, Hân chia sẻ.
Bình luận (0)