Nhà khởi nghiệp Trần Huy Hiệp (32 tuổi, quê Quảng Ninh, ngụ tại Hà Nội) đã từ bỏ công việc nhân viên kỹ thuật xét nghiệm với mức lương ổn định để nghiên cứu ra những sản phẩm làm bằng silicon như tay, chân, tai giả.
Anh Đào Văn Phúc (trái) và anh Trần Huy Hiệp bên cạnh những sản phẩm của mình |
NVCC |
Cơ duyên đưa anh Hiệp đến với nghề này là vào 4 năm trước trong một lần tiếp xúc với bệnh nhân mất chi. Lúc đó, anh suy nghĩ vì sao những sản phẩm cần thiết như bàn tay, bàn chân, tai, mũi… làm từ silicon khá cần thiết nhưng lại có ít nơi sản xuất ở Việt Nam và đa số người cần dùng phải đặt hàng từ nước ngoài về với giá thành cao.
Từ đó, anh Hiệp bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu với mong muốn tạo ra sản phẩm do người Việt sản xuất, phục vụ người Việt, có chất lượng, độ thẩm mỹ không thua kém hàng ngoại nhập nhưng giá thành lại rẻ hơn để hỗ trợ cho người khiếm khuyết.
Là cựu sinh viên ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, anh Đào Văn Phúc (42 tuổi, quê Thái Bình) biết được dự định của của anh Hiệp và quyết định cùng nhau nghiên cứu để phát triển sản phẩm.
Ban đầu, hai anh gặp nhiều khó khăn trong việc nguyên liệu nhập khẩu nhưng quyết không bỏ cuộc. Anh Hiệp tâm sự: “Thời gian đầu là giai đoạn khó khăn nhất vì chúng tôi vừa nghiên cứu vừa tự thiết lập toàn bộ quy trình kỹ thuật, cũng như nhập nguyên liệu nên sản phẩm bị lỗi hỏng khá nhiều. Chúng tôi đã làm thất bại hàng trăm sản phẩm để có được một sản phẩm hoàn chỉnh và ưng ý nhất”.
Anh Đào Văn Phúc chăm chút cho sản phẩm của mình |
NVCC |
Sau hai năm nghiên cứu (2018 - 2020), anh Hiệp và anh Phúc mới có thể hoàn thiện quy trình sản xuất. Anh Hiệp lưu ý các bộ phận giả được làm thủ công với màu sắc, hình dạng, độ khớp khi sử dụng, phù hợp với từng trường hợp khiếm khuyết.
Theo anh Hiệp, công đoạn khó nhất trong quy trình sản xuất là tạo màu thẩm mỹ cho giống với màu da của người đặt hàng và thời gian hoàn thành một sản phẩm là từ 30 - 45 ngày.
Điều làm hai anh cảm thấy vui nhất là khi những người khiếm khuyết đeo ngón tay giả rồi được người thân xuýt xoa nói "sao mà giống đến thế" và không nghĩ rằng đó là ngón tay giả. "Tôi nghĩ bản thân mình đã giúp đỡ họ được một phần nhỏ nào đó, để họ có thể tự tin hơn trong cuộc sống và không còn e dè vì những khiếm khuyết trên cơ thể", anh Phúc chia sẻ.
Với hiểu biết về sản phẩm hỗ trợ người khiếm khuyết, Đào Thị Trúc Mai (sinh viên năm 4 Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) cho biết cô khá bất ngờ trước sản phẩm của anh Phúc và anh Hiệp.
Trúc Mai nói: “Tôi nghĩ rằng đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ cần mẫn, khéo léo đến từng chi tiết giải phẫu. Sản phẩm của hai anh không chỉ giúp cho người khiếm khuyết tìm lại được những phần cơ thể bị mất đi, mà còn giúp họ tự tin hơn. Tôi nghĩ rằng hai anh đang làm một công việc rất thiết thực và mang giá trị nhân văn".
Còn Cao Đăng Khoa, sinh viên năm 4 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, đánh giá: “Tôi nhận thấy sản phẩm của hai anh giống như thật và giúp người khiếm khuyết tự tin hơn trước đám đông. Tôi hy vọng sản phẩm khởi nghiệp của các anh sẽ được giới thiệu rộng rãi hơn cho những người không may bị khiếm khuyết trên cơ thể".
Bình luận (0)