Dọc đường Euro 2016: Bước qua đau thương ngày cũ

01/07/2016 11:40 GMT+7

Khoảng nghỉ giữa những trận cầu, tôi tìm đến Paris của một quá khứ buồn. Thương tích còn đấy mà hội hè thì vẫn cứ miên man và đất trời cứ đầy nắng ấm.

Háo hức chạy theo dòng cổ động viên (CĐV) cuồn cuộn, những khúc hát bóng đá sôi nổi và những trận cầu hào hứng, chợt một ngày tôi bắt gặp giữa nghĩa trang Père Lachaise gương mặt một cô gái còn rất trẻ cười tươi trên nấm mộ. Suzon Garrigues, 21 tuổi, sinh viên Đại học Paris-Sorbonne, thiệt mạng trong vụ khủng bố tại Nhà hát Bataclan ở Paris ngày 13.11.2015.

Cùng với cô là 88 người khác, đa phần còn rất trẻ, mê nhạc rock và lúc ấy đang quay cuồng cùng âm thanh sôi động thì 3 kẻ khủng bố xuất hiện. Cuộc sống chấm dứt vào ngày ấy.
Trong công viên nghĩa trang mênh mông này, tôi còn gặp Bernard Verlhac, bút danh Tignous, họa sĩ của tờ Charlie Hebdo đã thiệt mạng trong vụ xả súng ở tòa soạn báo vào tháng 1.2015. “Tôi mơ thấy tự do, và tôi sẽ tiếp tục”…, trên mộ ông là lời thơ của Paul Éluard. Tignous một đời cầm bút vì niềm tin vào tự do, và đã ngã xuống trong khi đang thực hiện sứ mệnh của một nhà báo.
Những gương mặt chợt gặp ở Père Lachaise kéo tôi về ngày cũ, bứt ra khỏi không khí hội hè miên man như chưa từng bao giờ dứt ngoài kia. Hôm qua, khi đi lang thang giữa Paris của ngày không bóng đá, tôi chợt bắt gặp nhà hát cũ Bataclan. Tòa nhà có kiểu dáng hao hao một ngôi chùa phương Đông được rào chắn kín mít để sửa chữa, và có lẽ tôi đã dễ dàng lướt qua nếu không có cái níu tay.
“Đây là Nhà hát Bataclan, nơi đã xảy ra vụ khủng bố tháng 11 năm ngoái”, anh Laurent Duchamp đang dẫn một nhóm bạn đi thăm thú Paris giới thiệu. Phía bên ngoài rào chắn có dòng thông báo của ban quản lý: “Công trình cải tạo Bataclan. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hoàn tất việc sửa chữa trước khi năm 2016 kết thúc và sau đó sẽ mở cửa trở lại. Sẽ có thêm thông báo cụ thể khi các thông tin trở nên rõ ràng hơn”. Trước đấy, người ta từng dự định đóng cửa vĩnh viễn nơi này nhưng giờ thì có vẻ như nhà hát sẽ hồi sinh. “Cuộc sống vẫn tiếp tục. Bataclan hồi sinh là quyết tâm cho thấy người dân Paris không đầu hàng khủng bố”, Laurent nói với tôi.
Cảnh sát tuần tra bên ngoài Nhà hát Bataclan, nơi đã xảy ra vụ khủng bố tháng 11 năm ngoái AFP
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe thông điệp ấy, có gì đó mang tính khẩu hiệu về quyết tâm đứng lên sau mất mát, về việc vẫn giữ lạc quan sau đau thương, để thấy rằng ta không bị đánh gục bởi cái ác. Sau vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo, nhân sự còn lại của tờ báo vẫn tiếp tục ra báo.
Người dân xếp hàng mua báo như một biểu hiện của tình đoàn kết, các tờ báo khác hỗ trợ Charlie Hebdo hết mình cũng để bày tỏ tình đoàn kết và ý chí không khuất phục. Sau chuỗi tấn công khủng bố tháng 11 cùng năm, người dân Paris đã không hề sợ hãi, vẫn đến tưởng niệm, vẫn làm tất cả để cuộc sống trở nên bình thường, vẫn hội hè miên man, vẫn cười rạng rỡ cho thấy rằng dù thế nào thì họ vẫn không lùi bước trước khủng bố.
Trước khi Euro 2016 diễn ra, giữa bối cảnh nước Pháp đang ở trong tình trạng khẩn cấp, người ta cũng đã nói đến khả năng sẽ thu hẹp quy mô của giải, chẳng hạn đóng cửa một số fanzone, một số trận đấu sẽ được tổ chức trong sân vận động không khán giả. Tổng thống Francois Hollande thẳng thắn thừa nhận nguy cơ khủng bố tồn tại. “Mối đe dọa đó là có thật, nhưng không vì thế mà chúng ta run sợ. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để làm nên một giải đấu thành công”, ông nói, ngay trước khi trái bóng lăn.
Khi tôi mới đặt chân tới Paris cách đây đúng một tháng, đã thấy cảnh phòng bị nghiêm ngặt. Hình ảnh những quân nhân trang phục rằn ri xếp súng ngay ngắn trong phòng ăn của cửa hàng Flunch bên cạnh Trung tâm Pompidous cứ ám ảnh tôi.
Thật là kinh khủng, tinh thần cảnh giác ở đây đi vào cả bữa ăn. Thế rồi, một khi đã thâm nhập vào cuộc sống thường ngày của Paris, sống như cách một người Paris vẫn sống, tôi thấy cuộc sống vẫn bình thường, mọi thứ vẫn tiếp diễn. “Không ai gồng lên để chứng minh một điều gì.

tin liên quan

EURO 2016: Paris và cuộc hội hè miên man
Paris là kinh đô ánh sáng. Paris lộng lẫy và quyến rũ. Paris thơ mộng và êm đềm. Và, Paris là một trong những nơi chốn tuyệt vời nhất mà bạn nên dẫn người thương tới để nói lời “anh yêu em”.
Đơn giản là cuộc sống là như thế. Paris vẫn hội hè như nó vốn có, thế thôi”, GilbertLavigne, chuyên gia tài chính mà tôi gặp trên chuyến tàu xuôi xuống Lyon trước trận Pháp - CH Ireland, chia sẻ. Trước giải, đem băn khoăn của mình đi hỏi bà Anais Mercier, quan chức phụ trách báo chí Euro 2016 tại Paris, tôi được trả lời rằng fanzone ở Champ-de-Mars, khu công viên xanh ngắt dưới chân tháp Eiffel, vẫn sẽ mở cửa bình thường. “Mọi hoạt động vẫn sẽ diễn ra đúng kế hoạch”, bà Mercier nhấn mạnh.
Đau thương ngày cũ vẫn còn đó. Một căn phòng trong ngôi nhà ở vùng Normandy của nữ sinh Suzon Garrigues vẫn để trống từ cuối năm ngoái tới giờ. Cánh cổng nơi tòa soạn cũ Charlie Hebdo vẫn đóng, Nhà hát Bataclan thì chưa mở cửa trở lại.
Nhưng dòng thông báo trên hàng rào của công trình sửa chữa Nhà hát Bataclan như một lời hẹn, rằng nơi đây rồi sẽ lại hồi sinh những âm thanh rock rực lửa. Trên bức tường của tòa soạn cũ Charlie Hebdo, hôm qua tôi bắt gặp người ta lại dán lên đó những trang của tờ báo mới nhất vừa ra lò. Đồng nghiệp của Tignous vẫn không một phút giây ngưng nghỉ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.