Dọc đường Euro 2016: 'Này em, anh không thể thôi nhìn ngắm em được'

21/06/2016 09:06 GMT+7

Bỏ qua âu lo, sợ hãi, bỏ qua vài hình ảnh xấu xí, Euro 2016 vẫn rất đẹp bởi những cổ động viên biết chơi hết mình.

Buổi sáng hôm qua, tôi lại cùng một nhóm người Anh đi từ Paris xuống Lyon rồi sang Saint-Étienne để xem đội tuyển xứ sương mù đá với Slovakia. Hình ảnh các vụ loạn đả trên đường phố Marseille mới hôm nào mà như đã xa lắc. Những người Anh đi cùng tôi hết sức vui vẻ, tán đủ chuyện từ trong tới ngoài sân bóng. Thanh bình là thế nhưng an ninh thì vẫn phải tăng cường, đặc biệt là nhằm ngăn chặn nguy cơ hooligan như đã từng xảy ra trong các trận đấu liên quan tới đội tuyển Anh.
Sau những gì diễn ra, tình hình hooligan có vẻ diễn biến phức tạp hơn nhiều. Không chỉ đơn thuần là côn đồ Nga và Anh quậy phá, câu chuyện hooligan hiện đã lan rộng. Hôm trước, trong trận Croatia gặp Czech, không hiểu sao mà cổ động viên (CĐV) Croatia lao vào đánh nhau cũng như ném pháo sáng xuống sân. Đánh người của đối phương còn dễ hiểu, đằng này là phe ta táng phe mình loạn xạ. Cánh nhà báo rành chuyện xầm xì nhau rằng có một âm mưu ngay trong nội bộ Croatia nhằm phá rối đội tuyển nước này. Âm mưu đó liên quan tới một ông trùm bóng đá trong nước. Tình hình nghiêm trọng đến mức Tổng thống Croatia đã lên tiếng gọi đám hooligan đó là kẻ thù của đất nước.
Rồi đến hôm qua, khi cùng những người Anh xuống Saint-Étienne xem bóng đá, tôi lại được nghe kể rằng các đồng hương của họ tối hôm trước bị mấy người Pháp bao vây tại Lyon. Chuyện vầy, hôm đó có mấy CĐV Anh xuống Lyon sớm đang ngồi nhậu bên hè phố. Đột nhiên có đám bặm trợn người Pháp mặc áo đen, tay đeo băng hình chữ thập đỏ, bao vây và dùng ghế, chai lọ ném cho nhóm người Anh một trận tối tăm mặt mũi. Các đoạn clip quay được cho thấy nhóm tấn công có vẻ như là CĐV anh chị của đội bóng Olympique Lyonnais.
“Đi xem bóng mà xảy ra đánh nhau vậy là rất đáng sợ. Sau khi xong trận, tụi tôi lại lên Paris cho nó lành”, anh Pat Matthew đến từ Southampton chia sẻ. Nỗi lo của những người Anh đồng hành với tôi là dễ hiểu, khi mà Saint-Étienne chính là nơi mới rồi xảy ra vụ quậy phá của hooligan Croatia trong khi chính quyền ở đây vừa kêu ca là UEFA không bố trí đủ nhân viên bảo vệ bên trong sân đấu Geoffroy-Guichard.
An ninh được thắt chặt trong trận Nga gặp Xứ Wales rạng sáng 21.6 Reuters
Liên quan tới những lùm xùm tại Euro 2016, ban tổ chức bây giờ không chỉ lo nguy cơ khủng bố và thảm họa hooligan mà những vấn đề chuyên môn sát sườn hơn cũng đang rối như tơ. Hình ảnh dễ thấy nhất là thảm cỏ bong tróc tệ hại của các sân đấu, kể cả những đấu trường danh tiếng như Stade de France, Pierre Mauroy và Velodrome. Sau vài trận, mặt sân bị gót giày của cầu thủ xới tung lên.
Trước trận Pháp - Thụy Sĩ tại Lille vừa rồi, ban tổ chức buộc phải cho hai đội thực hiện buổi tập chính thức tại sân dự phòng. Thông thường, trước trận đấu một ngày, hai đội bóng có buổi tập để làm quen với mặt sân đấu chính thức, nhưng điều kiện mặt sân tại Lille đã buộc ban tổ chức đổi kế hoạch. Chuyện mặt sân nham nhở cùng với sự cố vỡ bóng và rách áo trong trận Pháp - Thụy Sĩ đang trở thành đề tài đàm tiếu tại Pháp mấy bữa nay, cả ở quán vỉa hè lẫn trên mặt báo.
Nhưng mà nói chuyện “đắng cay” hoài cũng mệt. Thực ra, Euro 2016 bên cạnh vài điều xấu xí nói trên thì có muôn vàn thứ đẹp đẽ mà bản thân tôi đã được trải nghiệm ít nhiều, và không ít lần chuyển tải vào trang viết. Hãy nhìn các CĐV cùng hòa vào ngày hội, hãy xem cái không khí họ tạo ra trên khán đài và xung quanh các trận đấu, để thấy rằng họ cũng là những ngôi sao của giải đấu như slogan chính thức của UEFA.

“Respect”, tôn trọng, chính là chủ trương của những người tổ chức giải đấu này và điều đó đang được phần đông CĐV thể hiện tuyệt vời. Hôm trước ra sân Công viên các hoàng tử, tôi đã đứng giữa những người Áo không ngớt làm trò để mua vui cho thiên hạ. Một chàng trai phục trang kỳ quái quỳ xuống trước mặt tôi và nói: “Bạn được chào đón ở đây”. Hôm trước, một đám đông CĐV CH Ireland, bất chấp đội tuyển vừa thua Bỉ 0-3, đã quây lấy một cô gái Pháp, không phải để sàm sỡ mà là để hát những lời ca lay động: “Này em, anh không thể thôi nhìn ngắm em được”, “Này em, anh yêu em”.
Lúc này đây, khi tôi đang viết những dòng này, quanh tôi những CĐV xứ sương mù cũng đang nhảy nhót và hát lên: “Come on England! Come on England!”. Cứ tiệc tùng, cứ vui hát thỏa thích như vậy có phải là hay không chứ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.