Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên

12/12/2013 00:15 GMT+7

Người hâm mộ thể thao ở Myanmar cũng cuồng nhiệt và cổ vũ chuyên nghiệp không kém bất kỳ cổ động viên nước nào trên thế giới.

Người hâm mộ thể thao ở Myanmar cũng cuồng nhiệt và cổ vũ chuyên nghiệp không kém bất kỳ cổ động viên nước nào trên thế giới.

>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 4: Nay Pyi Taw không còn bí ẩn

 Những màn cổ vũ nhịp nhàng chuyên nghiệp góp phần làm đẹp những trận bóng đá ở SEA Games - Ảnh: Bạch Dương

Những màn cổ vũ nhịp nhàng chuyên nghiệp góp phần làm đẹp những trận bóng đá ở SEA Games - Ảnh: Bạch Dương

Theo một số cẩm nang du lịch, đa số người Myanmar theo đạo Phật nên điềm đạm, trầm tính, ngại ồn ào, ăn to nói lớn, hò hét nơi công cộng... Lẽ nào SEA Games 27 cũng yên ả, trật tự như trong lớp học ư? Đặc biệt là khi đến những điểm làm thẻ cho người dân vào xem SEA Games, nhìn như một đám đông hỗn độn chẳng hàng lối gì, nhưng lại chẳng hề có tiếng la ó cự cãi, cứ từng người lần lượt tiến lên thực hiện từng bước thủ tục theo quy định...

Quá lo xa thôi. Còn nhớ trong ngày thi đấu đầu tiên của môn Chinlone ở cụm sân thi đấu trong nhà Wunna Theikdi (Ney Pyi Taw), từ xa chúng tôi đã nghe vang vang tiếng reo hò của khán giả. Những quầy bán “đồ nghề” cổ vũ ríu rít chào mời, thỉnh thoảng khiến nhiều người giật mình khi người bán thổi kèn thay lời mời.

Sân trong nhà với sức chứa 3.000 người chỉ có non nửa khán giả, ấy thế mà tiếng cổ vũ reo hò vẫn cứ ầm ầm. Trước khu vực sân còn có cả một dàn bộ gõ nào trống, nào chiêng, âm thanh nghe rộn ràng như tiếng trống múa lân ngày tết vậy. Phía trên khán đài chỗ khu vực vắng khán giả, một nhóm người nhảy múa theo nhịp trống. Không khí lễ hội khiến ai cũng cảm thấy rạo rực. Có cảm giác như người Myanmar không chỉ ăn mừng chiến thắng của đội nhà trước các đối thủ, mà là đang ăn mừng những cụm sân, như khu phức hợp thể thao khang trang hiện đại vừa mới khánh thành và đưa vào sử dụng vậy.

Trong khi đó sân bóng đá Zeyar Thiri nằm ở tít tận phía bắc Nay Pyi Taw. Buổi chiều diễn ra trận đấu, chúng tôi thấy dòng người dường như lặng lẽ hơn khi phải xếp hàng dưới cái nắng buổi chiều để vượt qua hai ba chốt kiểm soát và đoạn đường quá dài từ cổng chính đến cổng vào của sân. Thế nhưng khi đã yên vị trong sân rồi, và khi tiếng còi khai cuộc của trọng tài vang lên trên sân, thì tất cả như những người khác, sinh động hẳn lên, và cuồng nhiệt gào thét theo từng đường bóng.

Tuy nhiên, phải đến khi vào sân vận động Thuwanna ở Yangon rồi mới thật sự bái phục sự cuồng nhiệt của khán giả Myanmar. Bên ngoài sân rộn ràng những quầy lưu niệm, áo thun, mũ nón bên cạnh những xe đẩy quà vặt, từ đu đủ, quýt, dưa hấu, ổi ghim, cho đến trứng cút luộc, thịt xiên que nướng, phá lấu quay... Tiếng mời chào và mùi vị các món nướng cứ quyện lẫn nhau. Và có cả những người bán vé chợ đen cầm cả xấp vé, cứ thấy xe taxi nào tấp vào là nhào đến mời chào. Một khung cảnh rất quen thuộc.

Sân Thuwanna được nâng cấp, mở rộng, nâng sức chứa lên đến 50.000 chỗ. Ấy vậy mà trong những trận đấu có đội U.23 Myanmar ở vòng bảng, cũng đã có trên dưới 40.000 người vào sân. Cũng may là trong những lượt trận vừa qua, Myanmar được xếp đá ở trận sau, nên khán giả cứ thế túc tắc vào sân. Chưa biết đến lượt trận cuối của vòng bảng, khi Myanmar chơi trận đầu với Indonesia, 50.000 khán giả sẽ phải đến sân từ lúc nào, bởi việc kiểm tra an ninh ở Yangon không hiện đại bằng ở thủ đô. Lực lượng kiểm tra an ninh ở đây toàn phải dùng tay để vuốt, nắn khách chứ không có thiết bị để quét rà qua người.

Chỉ những khu vực còn trống, tôi chọc vị khán giả trung niên ngồi bên cạnh rằng Myanmar đá mà khán giả vẫn chưa kín sân. Ông chú tên Aye Min “tự bảo vệ” bằng vốn tiếng Anh chỉ nói đúng những từ quan trọng kèm sử dụng cả tay lẫn chân để minh họa: Rằng chừng đó khán giả là “good” (tốt), Myanmar sẽ là số 1. Nếu “full” - ý sân đầy ắp khán giả, ông giơ 2 ngón tay - ý Myanmar sẽ chỉ đạt HCB. Và nếu nhiều khán giả hơn nữa, thì Myanmar chỉ xếp thứ 3. Chịu thua với cách lý giải này, nhưng cũng có thể đó là triết lý sống của người dân ở đây thì sao.

Chỉ mới là những trận đấu vòng bảng, và Đông Timor chỉ là một đối thủ yếu, thế mà sân Thuwanna đã như cái chảo lửa rồi. Và trong cái chảo lửa đáng yêu đó, có cả một khu vực của những cổ động viên chuyên nghiệp. Họ gần như nhảy múa cổ vũ không ngưng nghỉ suốt từ trước khi trận đấu bắt đầu cho đến khi tan trận.

Xem thi đấu trong bầu không khí lễ hội như thế mới thật tuyệt làm sao.

Tố Loan

>> Lễ khai mạc SEA Games 27: Bữa tiệc rực rỡ sắc màu
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 11.12
>> Công chúa Thái Lan trở lại SEA Games
>> SEA Games vắng Quang Liêm
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> SEA Games 2015 bỏ nhiều môn thế mạnh của VN
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 10.12
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 9.12
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Lịch thi đấu SEA Games 2013 của đoàn Việt Nam ngày 8.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.