Đẹp và gợi. Hình như cả người viết và người trình bày đều đồng lòng muốn mang đến điều đó. Người đọc bất giác nhớ đến tập sách Hoàng tử bé của Saint Exupéry.
Gửi VB, tên của tập thơ như một ẩn số. Giản dị nhất, và có lẽ gần đúng nhất là gửi cho một chàng trai - người đàn ông thân nhất của mình, có tên viết tắt là VB. Trẻ trung nghịch ngợm hơn, là gửi cho một cái tôi thứ hai: tôi là VA (Vàng Anh viết tắt) thì anh là VB. Và sâu thẳm trầm tư hơn, là À L'Infini, Gửi Vô biên. Ngay từ chữ đầu của tác phẩm, Phan Thị Vàng Anh đã tạo sự phân vân, nhờ thuật sử dụng từ.
Thơ như ký họa, Phan Thị Vàng Anh - Thảo Hảo lần này khắc đậm thêm một nét của cá tính sáng tạo, vốn đã hé lộ từ ngày Mèo con đi học, được xác định qua Khi người ta trẻ, và Nhân trường hợp chị thỏ bông (hí họa và biếm họa). Tác giả vốn không thích, hay không quen với cái gì dàn trải, ào ạt, mông lung, nghĩa là bút pháp của những nhà lãng mạn trong văn chương, và tranh sơn dầu, tranh lụa trong hội họa. Tác giả thích viết kiểu tượng trưng và vẽ bằng chì sắc.
Như là nhật ký, Gửi VB ghi lại một tôi trong thời điểm 2001-2005. Một tôi đi về trong không gian hẹp, mà vẫn rất chơi vơi (nhà, phòng làm việc, phòng trọ...). Một tôi du hành giữa thiên nhiên và thiên hạ, vẫn không thể hòa mình (Trong Cúc Phương, Buổi sáng trên Cầu Đá, Trước khi đi Hội An, Ngày thứ hai ở Hội An, Ngày thứ ba ở Hội An…). Một tôi sống với và nghĩ về những sinh thể, đồ vật nhỏ nhoi, gần gũi quanh mình và của mình, vừa yêu thương vừa chịu đựng (chó mèo, nhện, bướm, lợn, gà, cây hoa, công tắc đèn, bình nước, cơ thể tôi...). Cái tôi ấy vừa kiêu vừa tủi, vừa tai quái, vừa chan chứa trong ngắm nhìn cuộc sống và ngắm nhìn mình.
Và gửi.
Một sợi tơ óng ánh đã hiện để cái tôi ấy không còn "một chắc". Bài thơ chọn làm tâm, Gửi VB, đằm thắm, nhưng vẫn là chúng ta chứ chưa phải là chúng mình. Là hai cái đầu lạnh băng bị xiêu vẹo, chứ chưa phải là hai trái tim nổi gió. Nhân vật khát tương giao bạn, hơn là khát người tình, hay nhà thơ ghê sợ cả cái sáo mòn trong cách biểu hiện tình yêu ?
Những giọt nỗi buồn cà phê sánh, đắng, nhỏ chậm từng ngày, mọi nơi, đã dịu đi, nhờ Gửi... như chất sữa này đây. Dù vậy, người đọc vẫn không thể không nhớ đến câu ca dao xưa: "Anh buồn có chốn thở than/Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya".
Không chỉ hé lộ về nỗi buồn của một người đàn bà, tập thơ còn có những tra vấn cô đơn của người nghệ sĩ. Tưởng chừng như gặp bóng dáng của Chế Lan Viên ở hai bài thơ cuối: Hành trình của cây và Tập làm thơ.
Cũng như Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh không viết bằng cái hồn nhiên, câu chữ cấu trúc thơ của chị tràn đầy ý thức. Nhưng Gửi VB cũng tràn đầy trực cảm, một thứ trực cảm rất nữ tính, qua những liên tưởng bất ngờ, xuyên thấu sự vật.
Gửi VB như nói hộ cùng ai đang cầm trên tay chén đắng và biết là mình sẽ can đảm uống cho đến giọt cuối cùng, nhấm nháp từng khoảnh khắc...: "Bước tiếp thôi còn một tầng nữa thôi/Bỗng thấy mình còn sống còn đau còn hạnh phúc/Lại sợ rồi sẽ hết, những ngày này sẽ hết/Hai tiếng nữa thôi, ngày lạnh nhất sẽ qua/Buồn làm sao, chuyện gì cũng trở thành ấm áp" (Ngày lạnh nhất ở Hà Nội).
N.T.T.X
Bình luận (0)