"Dụ" cá sông đến ở để chăm sóc
Anh Tuấn kể tận dụng bờ sông trước nhà, anh đóng bè nuôi cá để thư giãn. Đánh hơi được mùi thức ăn cá sông các loại kéo đến "ăn ké". Thấy cá dạn dĩ, quấn người, anh mua thêm thức ăn rải xuống. Từ năm 2023, đàn cá kéo đến ngày một nhiều và trú ngụ tại đây. Anh quyết Tuấn định cưu mang chúng.
"Ban đầu, tôi đóng bè nuôi cá chủ yếu để gia đình ngồi ngắm, thư giãn. Không ngờ, cá sông kéo tới ngày một nhiều. Nuôi lâu ngày nên tôi có tình cảm. Ngày nào đi làm về, tôi cũng xuống bè thăm, cho chúng ăn xong rồi mới nghỉ ngơi. Nhìn đàn cá quây quanh mình, tôi thấy vui lắm", anh Tuấn chia sẻ.
Để bảo vệ đàn cá, anh Tuấn cải tạo, mở rộng diện tích mặt nước lên hàng trăm mét vuông. Bên cạnh đó, anh mua lưới, kéo lục bình tạo thành lá chắn tự nhiên xung quanh bè, lắp camera theo dõi. Cá được nuôi bằng thức ăn công nghiệp kết hợp các loại rau, củ phế phẩm. Từ vài chục con cá tra đến xin "ở nhờ", giờ đây, bến sông trước nhà anh Tuấn có đến hàng ngàn con cá, ước chừng khoảng 3 - 4 tấn, gồm cá tra, mè vinh, cá he, cá trê, cá lóc… nhiều nhất là cá tra, trọng lượng từ 2 - 3 kg/con.
Mong muốn bảo tồn nguồn lợi thủy sản
Mỗi tháng, chi phí mua thức ăn cho đàn cá tự nhiên này lên tiền triệu, nhưng anh Tuấn vui vẻ chăm sóc, giữ gìn. Anh cũng mong muốn những ai có cùng niềm đam mê với mình sẽ làm những mô hình tương tự để ngày càng có thêm nhiều cá tự nhiên được bảo vệ, có nơi trú ngụ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
"Cá đến bao nhiêu tôi sẽ nuôi bấy nhiêu. Bởi, hiện nay, nhiều người đánh bắt theo kiểu tận diệt, làm các loài cá tự nhiên ngày một ít. Tôi mong muốn việc làm của mình lan tỏa. Càng nhiều mô hình cưu mang, bảo vệ cá sông sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản", anh Tuấn bày tỏ.
Dù ở đoạn sông có nhiều người chạy ghe cào, kéo lưới đến đánh bắt nhưng đàn cá vẫn không bị gì, khi phát giác được nguy hiểm chúng bơi nhanh về nhà núp dưới đám lục bình núp mất hút. Có lẽ được bảo bọc trong sự yêu thương của gia đình anh Tuấn nên đàn cá dạn dĩ và thân thiện với con người. Nhiều người đến thăm đàn cá có thể sờ, chạm vào chúng.
Ông Mai Văn Nghiệp (cha vợ của anh Tuấn) cho biết ông và các thành viên trong gia đình rất ủng hộ việc cưu mang cá của anh Tuấn. Bản thân ông cũng thường xuyên phụ giúp con rể chăm sóc và canh chừng đàn cá sông. "Khi con rể đi làm, vợ chồng tôi giúp cho cá ăn. Đặc biệt, cả 2 đều trông chừng, không cho ai đến câu, bắt trộm để đàn cá có chỗ trú ngụ an toàn, số lượng ngày một nhiều hơn", ông Nghiệp cho biết.
Bình luận (0)