Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z

27/04/2023 11:30 GMT+7

Để giúp cho nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận và cảm thấy thích thú hơn với bộ môn hóa học, nữ sinh này đã "hô biến" những phương trình hóa học tưởng chừng như "ám ảnh" thành những tinh thể lung linh, muôn sắc màu thông qua việc thú chơi "nuôi tinh thế".

Thay vì nuôi thú cưng, Trần Ngọc Bảo Nhi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chọn "nuôi tinh thể" và tạo ra vô số những thành phẩm lạ mắt được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đến nay, Nhi đã theo đuổi niềm đam mê này được 3 năm.

Biến muối ăn, bột ngọt… thành 'đá quý'

Theo Bảo Nhi, "nuôi tinh thể" là quá trình hình thành một hoặc nhiều mầm tinh thể qua liên kết hóa học, những mầm đó sẽ phát triển thành những viên tinh thể to hơn, có hình dạng, kích thước và màu sắc lấp lánh như những viên đá quý tùy thuộc vào chất ban đầu khi "nuôi".

"Mình bắt đầu nuôi tinh thể từ năm lớp 10 với mục đích làm để tặng ba mẹ do được giáo viên trên lớp hướng dẫn nhưng càng làm thì mình càng thấy thú vị và bắt đầu tìm hiểu để tạo ra thêm nhiều tinh thể hơn nữa. Đến nay, mình đã tạo được hơn 30 mẫu tinh thể từ nhiều hợp chất khác nhau", Nhi chia sẻ về sở thích của mình.

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 1.

Để tinh thể có hình thù lạ mắt thì Nhi thường dùng vải hoặc bông gòn để tạo khuôn

NVCC

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 2.

Mỗi mẫu tinh thể trung bình sẽ được 'nuôi' trong 1 năm

NVCC

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 3.

Một số mẫu tinh thể độc đáo mà Bảo Nhi "nuôi" được

NVCC

Để tạo ra một mẫu tinh thể hoàn chỉnh, Nhi hòa tan một khối tượng chất tan cố định với thể tích nước phù hợp, sau đó đợi dung dịch bão hòa và bắt đầu hình thành mầm tinh thể từ 1-2 ngày. Sau đó, lọc lại dung dịch bằng phễu và giấy lọc chuyên dụng rồi đợi 2 ngày để dung dịch ổn định. Cuối cùng lấy mầm thu được treo vào chính giữa dung dịch để "nuôi", từ đó tinh thể sẽ lớn dần và tạo hình vĩnh viễn.

"Làm tinh thể với những chất có sẵn như: muối ăn, bột ngọt, chanh… thì chỉ cần pha dung dịch xong rồi để vào nơi có nhiệt độ phòng và tránh ánh nắng trực tiếp thì tinh thể sẽ tự lớn. Còn những tinh thể đòi hỏi 'nuôi' công phu từ 1-2 năm thì cần phải có phương trình hóa học cụ thể để cho ra công thức riêng biệt, mình từng thử nghiệm một mẫu tinh thể trải qua ba phương trình phức tạp trong vòng 2-3 tháng mới bắt đầu cho kết tinh", nữ sinh này cho hay.

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 4.

Bảo Nhi và niềm đam mê tinh thể

THƯỢNG HẢI

Để có kiến thức "chơi" bộ môn này, Nhi nhờ các thầy cô, anh chị đi trước hướng dẫn những phương trình và kinh nghiệm, bên cạnh đó là trao đổi trực tiếp với những người nước ngoài có chung sở thích trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, Nhi còn tự lập một kênh TikTok với hơn 50.000 lượt theo dõi để chia sẻ cách làm các tinh thể với mong muốn những người mới chơi tiếp cận được nhiều loại tinh thể đẹp và có góc nhìn tích cực về môn hoá.

"Là người đã từng ám ảnh môn hóa và khi làm tinh thể đã giúp mình dễ hiểu hơn, mỗi lần chinh phục một vài tinh thể khó thì lại học thêm kiến thức nên đó là động lực để mình tạo kênh về nuôi tinh thể. Để làm cho những điều chia sẻ không quá học thuật, mình đã cố gắng giải thích và hướng dẫn thật gần gũi, vui tươi để những bạn không thích hóa học vẫn có thể làm được đơn giản vì đẹp", Nhi bày tỏ.

Thú chơi này sẽ giúp bạn trẻ cảm thấy thích thú với hóa học hơn

Khi được hỏi về những mối lo độc hại của các loại hóa chất thì sao? Nhi cho hay: "Mình chỉ làm về những loại hóa chất công nghiệp được ứng dụng nhiều trong cuộc sống ".

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 5.

Các mẫu tinh thể được làm từ các hợp chất an toàn: tinh thể CuSO4.5H2O xanh dương, tinh thể MKP có màu cam thực phẩm và tinh thể K2Na[Fe(C2O4)3].xH2O màu xanh lá

NVCC

Nhi lưu ý: "Chơi môn này thì cần phải đeo bao tay và khẩu trang khi điều chế, còn đối với những chất bình thường như muối và bột ngọt có thể cầm bằng tay thường. Và bắt buộc phải rửa tay lại bằng xà phòng khi tiếp xúc với tinh thể để tránh những mối nguy tiếp xúc với mắt - mũi - miệng".

Thường các hóa chất Nhi hay dùng là CuSO4.5H2O (đồng sunfat), KH2PO4 (kali photphat), giấy nhôm… được Nhi mua hàng công nghiệp quy cách một bao 25 kg trên những group hóa chất và chiết lẻ theo một khối lượng định sẵn từ 100-200g kèm theo các ly nhựa, que gỗ, bao tay. "Tất cả đều không phải là chất cấm và được ứng dụng rộng rãi như: CuSO4.5H2O được dùng trong diệt tảo diệt rong, axit chanh dùng tạo chất tẩy rửa, KH2PO4 dùng trong phân bón", cô nói.

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 6.

"Nuôi tinh thể" cần hiểu rõ các hóa chất và có bảo hộ an toàn

THƯỢNG HẢI

Là người được Nhi hỗ trợ trong việc làm tinh thể, Nguyễn Văn An, học sinh Trường THPT Tô Hiệu-Thường Tín (Hà Nội) bày tỏ: "Chị Nhi rất tâm huyết với tinh thể và thật sự muốn truyền đạt kiến thức về hóa học đến mọi người thông qua việc hướng dẫn, hỗ trợ làm tinh thể. Mình đã được chị đồng hành, phổ cập các kiến thức để tạo ra tinh thể khó NaMg[Al(C2O4)3], từ đó giúp mình yêu thích môn hóa học hơn".

Nhi còn chia sẻ thêm rằng nhiều người cho rằng nuôi tinh thể chỉ dành cho "dân sao hỏa", phải học giỏi hóa mới làm được và hiểu lầm thú chơi này là vô bổ, khó khăn trong khi đây là bộ môn mới lạ đang được nhiều bạn trẻ chú ý đến.

Độc lạ thú ‘nuôi tinh thể’ của nữ sinh gen Z - Ảnh 7.

Mẫu tinh thể NaMg[(Al,Fe)(C2O4)3] mất hơn 3 tháng nghiên cứu của Nhi

NVCC

"Có hai tuýp người chơi tinh thể: một là làm vì được giao bài tập, hai là chơi vì sở thích. Với các bạn thuộc tuýp một cần phải tìm hiểu về các tính chất hóa học của loại tinh thể làm ra thì hơi chuyên sâu. Trường hợp còn lại chỉ cần biết vài kiến thức cơ bản cũng có thể làm được vì có nhiều chất chỉ cần hòa tan với nước đã cho ra tinh thể rất đẹp rồi", Nhi bộc bạch.

Ngoài ra, nữ sinh nuôi tinh thể này còn cho biết: "Mọi thứ mới mẻ mình truyền đạt chắc chắn có những ý kiến trái chiều nhưng mình luôn nhấn mạnh về những phòng tránh rủi ro khi làm và những loại tinh thể an toàn. Mình muốn mọi người biết đến bộ môn này với đa dạng các loại tinh thể khác nhau nên sẽ đứng ra thử các tỉ lệ khác nhau và chiết lẻ vừa đủ hóa chất để nhiều bạn có thể dễ dàng tiếp cận cũng như cảm thấy thích thú với hóa học hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.