Độc lạ trang trại cà cuống ở vùng biên

Giang Phương
Giang Phương
18/07/2018 10:38 GMT+7

Trang trại cà cuống độc đáo gần 10.000 con giống của chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, ngụ ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, Tây Ninh) nằm giáp đường biên giới VN-Campuchia đang được nhiều người tìm đến học hỏi.

Chị Lan kể, cuối năm 2015, chị bắt đầu tìm tòi cách nuôi cà cuống với mục đích làm kiểng chơi. Chị Lan tận dụng những chuồng heo bỏ không sau nhà làm chuồng nuôi. Thấy cà cuống sinh trưởng nhanh và sau đó có nhiều người tìm đến hỏi mua với giá khá cao nên chị quyết tâm biến thú chơi thành mô hình kinh tế cho gia đình. “Thấy việc nuôi cà cuống cũng hay vì ở ruộng đồng trước đây có rất nhiều nhưng hiện nay càng ngày càng ít dần nên nhu cầu mua của người dân cũng tăng cao”, chị Lan chia sẻ.
Thế nhưng, khi bắt tay vào nuôi với số lượng lớn thì bị thất bại do cà cuống chết liên tục. Ấm ức vì sao người ta nuôi được còn mình lại không nên chị Lan tiếp tục kiên trì tìm hiểu, học hỏi khắp nơi và trên mạng internet về cách chăm sóc, nguồn thức ăn, giai đoạn sinh trưởng. Đến năm 2016 , từ vốn hiểu biết và chút kinh nghiệm có được, chị Lan mạnh dạn mua giống và bắt đầu nhân rộng mô hình.
 Cà cuống giai đoạn sinh sản
Cà cuống giai đoạn sinh sản Ảnh: Giang Phương
Theo chị Lan, sau khoảng 1 tháng nuôi, cà cuống có thể xuất bán. Mỗi đợt, trang trại của chị Lan xuất bán cà cuống giống, cà cuống thịt, các sản phẩm mắm cà cuống với số lượng trung bình khoảng 1.000 – 2.000 con. Giá cà cuống tuỳ từng giai đoạn trưởng thành, trung bình từ 20.000 - 130.000 đồng/con. Thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Người dân ở nhiều nơi tìm đến hỏi mua cà cuống giống đều được chị tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi.
5 lần lột xác mới thành cà cuống
Chị Lan cũng chia sẻ thêm, cà cuống từ ổ trứng đến lúc trưởng thành khoảng 45-60 ngày. Giai đoạn sinh sản, cà cuống thường bò lên cành cây nhô trên mặt nước hoặc trên nhánh lục bình để đẻ trứng. Do đó, khi đến giai đoạn này, cà cuống được chuyển sang hồ nuôi có thiết kế dàn cây. Khi cà cuống đẻ trứng có thể dễ dàng mang nhánh cây có ổ trứng đi ấp. Theo chị Lan, ổ trứng có màu trắng ngà với 120 - 150 trứng/ổ. Trứng nở ra ấu trùng sau khoảng 5-7 ngày. Ấu trùng sẽ trải qua 5 lần lột xác để trở thành con cà cuống trưởng thành.
Độc lạ trang trại cà cuống ở vùng biên2
Cà cuống thịt được bán với giá từ 20.000 – 130.000 đồng/con tùy từng thời điểm Ảnh: Giang Phương
Hiện nay, chị Lan đã mở rộng trang trại với diện tích gần 30 hồ nuôi với hơn 10.000 con giống. Tùy từng giai đoạn, cà cuống được chị tách ra nuôi riêng để tiện chăm sóc. Giai đoạn trưởng thành, cà cuống có cánh sẽ bay đi do đó chuồng trại phải có lưới che bảo vệ.
Chị Lan cho biết thêm, dù cà cuống khá dễ nuôi nhưng nhược điểm lớn nhất của loài này là rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài tác động, đặc biệt là hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, chất tẩy rửa thậm chí bị cầm nắm quá nhiều. Do đó, cà cuống phải được nuôi hoàn toàn trong môi trường sạch, không hóa chất hay cho ăn bằng các sản phẩm thức ăn công nghiệp. Theo chị Lan, thức ăn chủ yếu của cà cuống là cá con hoặc các loài ếch, nhái. Những loài thức ăn này dễ dàng tìm được ở vùng quê Phước Chỉ, Trảng Bàng.
Ngoài cà cuống giống, cà cuống thịt, hiện trang trại của chị Lan còn cung cấp món đặc sản nức tiếng vùng quê Phước Chỉ (H.Trảng Bàng, Tây Ninh) là món mắm cà cuống.
Cà cuống có thân hình dẹt, lúc trưởng thành có cánh, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7-8cm, có con lên đến 10-12cm. Cà cuống trưởng thành có chứa tinh dầu với mùi giống như mùi quế. Từ xa xưa, người Việt đã dùng cà cuống để chữa chứng tè dầm cho trẻ em và có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.