Dốc lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Duy Tính
Duy Tính
19/07/2021 07:29 GMT+7

TP.HCM một mặt mở rộng quy mô giường cho F0, đồng thời tập trung nhân vật lực, trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tính đến hết ngày 18.7, TP.HCM có hơn 32.600 bệnh nhân dương tính Covid-19 đang điều trị, hơn 250 ca nặng và 189 bệnh nhân tử vong. TP một mặt mở rộng quy mô giường cho F0, đồng thời tập trung nhân vật lực, trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân nặng.
Trước tình hình ca bệnh F0 tăng lên từng ngày, TP.HCM đã chuẩn bị 45.000 - 50.000 giường bệnh để thu dung, điều trị. Song song đó, Sở Y tế TP.HCM đã có kịch bản chuẩn bị giường hồi sức tại các bệnh viện (BV) quận, huyện, BV đa khoa, BV chuyên khoa, BV điều trị Covid-19, như BV Covid-19 Trưng Vương, BV Thủ Đức mỗi đơn vị 100 giường, BV Phạm Ngọc Thạch 60 giường... Đặc biệt là 1.000 giường tại BV Hồi sức Covid-19 (trưng dụng cơ sở 2 của BV Ung bướu TP.HCM), 200 giường hồi sức tại BV Bệnh nhiệt đới; BV Chợ Rẫy cũng sẵn sàng 200 giường hồi sức, hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng.

Tâm sự của bác sĩ ngày lên đường vào điểm nóng Covid-19: “Hết dịch mình về”

Huy động lực lượng tinh nhuệ

“BV Bệnh nhiệt đới có 400 giường, được Sở Y tế phân công 200 giường hồi sức, dành cho bệnh nhân từ thở ô xy trở lên. Hiện BV đã nhận 180 ca, gần như đã đầy. Để chăm sóc điều trị cho 180 bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn và bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trẻ em cũng phải tham gia”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết. Ông Vĩnh Châu nhận định việc ra đời BV 1.000 giường hồi sức sẽ giảm tải cho các BV đang hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.
Để vận hành BV Hồi sức Covid-19, việc điều động con người, trang thiết bị do Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM và Sở Y tế cùng thực hiện. Về điều hành hoạt động, giao cho BV Chợ Rẫy. Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, hiện BV đang điều trị 70 bệnh nhân nguy kịch và 120 bệnh nhân nặng. Qua tuần sẽ mở rộng giai đoạn 1 để nhận 100 bệnh nhân nguy kịch, 360 bệnh nhân nặng và từng bước mở công suất đạt 1.000 giường hồi sức.
Để hoạt động BV Hồi sức Covid-19 quy mô lớn nhất nước này, Sở Y tế giao BV Chợ Rẫy phụ trách 29 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân 115 với 44 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân Gia Định 20 giường hồi sức tích cực và 300 giường nặng... “Hiện tại BV Hồi sức Covid-19 đã có 564 nhân sự của BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115 và Nhân dân Gia Định, y bác sĩ từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng và Thanh Hóa. Trong đó có 168 bác sĩ (70 bác sĩ hồi sức); 350 điều dưỡng (69 có khả năng hồi sức). Ngoài ra còn có đội ngũ nhân viên y tế xét nghiệm, X-quang, hậu cần...

Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản "xấu và xấu hơn" vì Covid-19

Theo dõi sát bệnh nhân có biểu hiện nặng

Theo Sở Y tế, TP.HCM chia 4 cấp độ điều trị F0: Cấp độ 1 là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; cấp độ 2 là F0 thở ô xy; cấp độ 3 là F0 thở ô xy dòng cao (HFNC) và cấp độ 4 là F0 thở máy xâm nhập, ECMO và lọc máu liên tục. Để các BV điều trị bệnh nhân cấp độ 3, 4 đủ lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, TP.HCM thành lập tổ điều phối bệnh nhân Covid-19 nặng để hội chẩn, đánh giá và điều phối chuyển viện theo từng cấp độ.
Ngay tại BV Hồi sức Covid-19 cũng thành lập một tổ điều phối để hỗ trợ các BV khi các BV có bệnh nhân nặng muốn chuyển lên. Nếu chuyển lên BV cấp độ 4 thì chuẩn bị sẵn sàng để phòng chống lây nhiễm. “Theo lý thuyết thì sau giãn cách, F0 sẽ giảm nhưng tỷ lệ bệnh nặng và nguy kịch tăng lên. Do đó, quan trọng là kiến thức của bác sĩ qua thăm khám và sự chăm sóc điều dưỡng, từ đó đánh giá tiên lượng được tình trạng, diễn biến sắp tới... và hội chẩn với BV cấp 3, cấp 4 để chuyển sớm”, TS-BS Nguyễn Tri Thức khuyến cáo.
Mặt khác, trước tình hình một số ca F0 chuyển nặng và tử vong hoặc ở cộng đồng quá lâu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển các ca F0 vào các BV thu dung điều trị Covid-19, không để các F0 lưu lại tại địa phương quá 12 giờ; đồng thời chuyển các trường hợp F0 có triệu chứng hay bệnh lý nền đến các BV chuyên điều trị Covid-19 và BV Hồi sức Covid-19 nhằm giảm số ca tử vong.

Hỏa tốc đề xuất trang bị thiết bị y tế

Để đảm bảo hoạt động của BV Hồi sức Covid-19, TS-BS Nguyễn Tri Thức vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thành ủy, UBND TP.HCM và Sở Y tế về việc khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho BV. Theo đó, qua khảo sát ban đầu, BV Hồi sức Covid-19 còn thiếu trang thiết bị nên chỉ mới tiếp nhận điều trị 60 giường hồi sức, chưa thể tiếp nhận thêm bệnh nhân điều trị.
Trong khi đó, các BV điều trị Covid-19 cấp độ 2 thì số lượng bệnh nhân phải thở máy (loại máy thở cấp độ trung bình trở xuống) rất nhiều, khả năng dẫn đến tử vong rất cao. Trong giai đoạn 1 với 460 giường tiếp nhận bệnh nhân, BV đề xuất bổ sung 23 loại trang thiết bị cần thiết với số lượng lên đến hơn 2.000 cái, bao gồm các loại máy thở, máy lọc máu liên tục, máy ECMO...

Gần 4.500 cán bộ, nhân viên và sinh viên ngành y hỗ trợ TP.HCM chống dịch

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện đã có 24 đoàn với gần 4.500 cán bộ, nhân viên y tế từ sở y tế các tỉnh, BV đa khoa tỉnh, BV bộ, ngành và 11 trường cao đẳng, đại học đến chi viện cho TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ... Các y bác sĩ, điều dưỡng sẽ tham gia vào quá trình điều trị, hồi sức bệnh nhân Covid-19 tại các BV được phân công. Các cán bộ giảng viên, sinh viên từ các trường đại học trên khắp cả nước tình nguyện tham gia truy vết phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, sáng 17.7, tại buổi họp giao ban với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ ngành liên quan, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 có cơ chế rút ngắn thủ tục mua, nhập nhanh nhất một số thiết bị, vật tư y tế để cung ứng cho các khâu hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân nặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.