Lực lượng Mãnh Hổ nằm trong danh sách những tác phẩm hay nhất năm 2006 theo bình chọn của các báo như Washington Post Book World, San Francisco Chronicle, Pittsburgh Post-Gazette và St. Louis Post-Dispatch.
Michael Sallah từng được Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp vinh danh là Phóng viên xuất sắc nhất ở bang Ohio (Mỹ). Ông hiện là biên tập viên mảng điều tra cho tờ Miami Herald. Mitch Weiss cộng tác nhiều năm với hãng tin Associated Press, đang là biên tập viên của báo Charlotte Observer.
Tội ác của Lực lượng Mãnh Hổ bị chôn vùi suốt 30 năm
Năm 1965 quân đội Mỹ thành lập một đơn vị chiến đấu có tính chất thử nghiệm với tên gọi Lực lượng Mãnh Hổ, tập hợp những người lính tinh nhuệ và gan dạ nhất.
Là trung đội viễn thám thuộc Sư đoàn Dù 101, Mãnh Hổ được trao rất nhiều quyền tự do, ít bị giám sát. Nhiệm vụ của họ là tìm nơi kẻ thù ẩn nấp để quân đội dội bom trúng mục tiêu. Họ được phép đến những nơi mà không có đội quân nào đến được, hòa làm một với rừng sâu, quên đi chính mình để thâm nhập vào tâm trí kẻ thù. Mỗi lần hành quân trong rừng của họ có thể kéo dài nhiều tuần liền.
Tuy nhiên cuộc thử nghiệm này đã dẫn đến hậu quả khôn lường. Những chuyện xảy ra trong suốt 7 tháng Mãnh Hổ sa chân xuống vực sâu là một cơn ác mộng. Lực lượng Mãnh Hổ đã gây ra vô số tội ác ghê gớm đối với dân thường ở vùng Quảng Ngãi – Quảng Tín trong suốt năm 1967.
Lục quân Mỹ bắt đầu điều tra về tội ác chiến tranh của đơn vị này từ năm 1971. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm sau đó và hồ sơ cho thấy lính Mãnh Hổ đã giết ít nhất 81 dân thường, vi phạm nhiều quy định quân đội. Cục điều tra của Lục quân Mỹ đề nghị kết án nhiều thành viên Mãnh Hổ. Nhưng tập hồ sơ bị lờ đi và rơi vào quên lãng suốt gần 30 năm.
Hai nhà báo đoạt giải Pulitzer vạch trần tội ác của Lực lượng Mãnh Hổ
Lực lượng Mãnh Hổ là thành quả của các phóng viên Michael Sallah, Mitch Weiss và John Mahr từ nhiều năm điều tra, lần giở lại hồ sơ tuyệt mật, phỏng vấn những cựu thành viên Lực lượng Mãnh Hổ. Nhiều sự thật ghê gớm đã được tiết lộ trong loạt bài Buried Secrets, Brutal Truths (Bí mật chôn vùi, Sự thật tàn bạo) trên tờ Toledo Blade. Loạt bài này được trao giải thưởng Pulitzer hạng mục Báo chí năm 2004; từ nền tảng đó, Sallah và Weiss lại tiếp tục viết thêm quyển sách Lực lượng Mãnh Hổ đầy ắp tư liệu, giàu sức thuyết phục.
Đến phần hai, cuốn sách thuật lại quá trình điều tra không khoan nhượng của sĩ quan Gustav Apsey sau 5 năm xảy ra cuộc thảm sát. Công việc của ông gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, do quy định của luật pháp, những người lính tàn bạo nhất lại là những người không phải chịu tố tụng vì họ đã rời khỏi quân đội. Lời khai của những thành viên miễn cưỡng chấp nhận trả lời trong cuộc điều tra cũng làm dấy lên sự nghi ngờ về mức độ tin cậy, một phần lý do là vì họ phải chịu di chứng hậu chấn thương về tinh thần. Khi phỏng vấn những cựu thành viên trong Lực lượng Mãnh Hổ và các nhân chứng người Việt, Sallah và Weiss đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao cuộc điều tra trước đây bị ngăn chặn, tại sao không có ai bị xét xử vì tội giết người.
Lực lượng Mãnh Hổ đặt ra nhiều câu hỏi nhân quyền đau đớn
Nhiều người lính trong Lực lượng Mãnh Hổ đã xuống tay giết người không chút nao núng khi cố gắng “giảm thiểu tối đa cảm xúc liên quan đến những sự kiện đang diễn ra”. Một người lính còn phát biểu rằng: “Vùng thung lũng này là nơi tồi tệ với tất cả chúng ta. Nhưng ta không cần phải chăm chăm nhìn thường dân để chọn mục tiêu. Chúng ta là Mãnh Hổ. Chúng ta thượng đẳng hơn”.
Những thành viên trong Lực lượng Mãnh Hổ đều có số phận khác nhau, tất cả đều chỉ chung điểm là thiện chiến. Sau khi rời khỏi Mãnh Hổ, có nhiều người vào tù ra khám, có nhiều người chết trẻ vì ung thư hay xơ gan, hoặc tự sát. Một trong những người tàn ác nhất được miêu tả trong sách đã qua đời ở tuổi 34.
Lực lượng Mãnh Hổ được viết theo lối tường thuật ở ngôi thứ ba, kể lại những sự việc đã xảy ra như đang ở thì hiện tại mà không có bất kỳ bình luận xen giữa nào của phóng viên. Điều này đem lại cảm giác sống động, khách quan cho người đọc tương tự như trải nghiệm khi xem phim tài liệu không có lời bình theo phong cách direct cinema. Tuy vậy, khi các sự kiện càng được kể đơn giản thì càng có sức lay động.
Những câu chuyện thương tâm trong Lực lượng Mãnh Hổ có thể khiến người đọc bứt rứt; nhưng đồng thời, lại khó lòng buông sách xuống vì phải suy tư miên man về nhiều câu hỏi nhân quyền được đặt ra.
Đánh giá của giới báo chí
“Tôi đã tường thuật về cuộc chiến kéo dài và chắc chắn rằng lời kể của các tác giả là đáng tin cậy... Lực lượng Mãnh Hổ bổ sung khía cạnh đáng sợ và sống động vào kiến thức của chúng ta về thảm kịch xảy ra ở Việt Nam cũng như sự hiểu biết của chúng ta về chính mình”.
Stanley Karnow báo Washington Post Book World
“Sallah và Weiss góp tiếng nói của họ cùng với những người lính Mãnh Hổ, người dân Việt Nam và những người thân yêu của họ. Thành quả là một câu chuyện hấp dẫn trải dài gần bốn thập kỷ và giúp định nghĩa lại Chiến tranh Việt Nam”.
Bill Frogameni tờ Salon
“Mạnh mẽ... Cấu trúc xuất sắc và thật đáng kinh ngạc... Với Lực lượng Mãnh Hổ, Sallah và Weiss đã giành được vị trí bên cạnh Seymour Hersh (Chain of Command), Michael Herr (Dispatches) và Mark Bowden (Black Hawk Down) trong vai trò những nhà biên niên sử chiến tranh... Ngay lập tức thu hút sự chú ý, mang lại công bằng... Một bài thuyết trình xuất sắc và đầy đau đớn”.
Joel Turpinseed báo Minneapolis Star-Tribune
“Đáng suy nghĩ... Sallah và Weiss đã cung cấp cho công chúng Mỹ câu chuyện được ráp nối này và bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những người lính bị treo cổ đã phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các sự kiện... Đây là một ví dụ sáng giá về cách báo chí có thể hoàn thành mục đích cao quý nhất là thông tin và vì thế đã trao quyền phán xét lại cho công chúng”.
Edward Nawotka báo San Francisco Chronicle
“Một câu chuyện hấp dẫn, một câu chuyện sẽ khiến người đọc vừa kinh hoàng vừa xấu hổ”.
William Wineke báo Wisconsin State Journal.
Bình luận (0)