Đọc sách: Nơi quê nhà bình yên

30/04/2013 13:58 GMT+7

Trong dịp kỷ niệm 38 năm đất nước hòa bình, đọc lại từng trang tạp bút Sương khói quê nhà (NXB Trẻ, quý 1.2013), càng quý tấm lòng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một người trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, 30.4.1975. Ký ức tuổi thơ; chuyện viết văn, làm báo; chuyện về những người bạn văn hay chuyện kể từ những chuyến đi nước ngoài… với đề tài nào, tác giả cũng chan hòa cuộc sống và để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm yêu thương ở ngay trong phút giây hiện tại.

Đọc sách: Nơi quê nhà bình yên

Ở phần đầu của Sương khói quê nhà, Nguyễn Nhật Ánh đưa người đọc trôi vào thế giới êm đềm của những hồi ức và cảm nhận cuộc đời qua những câu chuyện hết sức bình dị như Cây trái tuổi thơ, Trường cũ, Tản mạn trong mưa… Có một câu chuyện dễ làm cho nhiều người Quảng Nam xa quê bồi hồi, Bà ơi, bán cho con lon nén!, tác giả tả một ngôi chợ độc đáo của người dân xứ Quảng quê anh nhưng lại nhóm họp mỗi ngày ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Tác giả viết: “Chợ Bà Hoa được xem như ngôi chợ Quảng Nam giữa lòng Sài Gòn. Ở đó, có thể tìm thấy hầu như không thiếu một thứ gì của xứ Quảng: đường bát, khoai lang khô, bánh tổ, dưa gang…”. Tuy nhiên, chỉ có củ nén mới thật sự là “hàng độc” mà không phải người miền Nam nào cũng biết: “Củ nén thuộc họ hành, còn gọi là hành tăm hay hành hoa”, một đặc sản của xứ Quảng, đã làm cho món cá chuồn chiên củ nén của mẹ hồi còn bé hiện về bên cạnh hình ảnh bà bán hàng thân ái như bà nội. Cuối câu chuyện, Nguyễn Nhật Ánh viết như muốn níu lại hình bóng quê nhà: “Một ngày đẹp trời nào đó bạn ghé chợ Bà Hoa, lần bước tới sạp hàng bày các thúng chứa củ gì tròn tròn, nho nhỏ, trăng trắng và nói với bà hàng trông giống hệt bà nội bạn ở nhà: “bà ơi, bán cho con lon nén” mặc dù cho đến lúc đó, có thể bạn chưa từng nhìn thấy củ nén bao giờ!”.

Tiếp theo, Nguyễn Nhật Ánh tập hợp 9 bài viết về những nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ… hay đơn giản chỉ là một người mê sách. Đó là những người bạn văn của anh: Đỗ Trung Quân, Lê Minh quốc, Lê Giang, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Công Khế… Trong bài Chuyện ông Vu, Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện một người đàn ông yêu và mê sách đến mức xem công việc và sách vở như cuộc sống của mình. Anh viết: “Làm sách, với Nguyễn Thắng Vu từ lâu đã không còn là công việc. Đó là tình yêu của ông. Còn hơn thế nữa, là cuộc sống của ông. Sách là bầu khí quyển quen thuộc mà rời khỏi nó, ông giống như cá rời khỏi nước”. Trong câu chuyện Nhớ Chim Trắng - người chờ hoa rụng, Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn trẻ tài hoa nổi tiếng, đã nói về một bậc đàn anh: “Khi nghĩ về nhà thơ Chim Trắng, tôi thường nghĩ nhiều hơn về con người ông, về sự chăm lo chu đáo, về tình cảm ông dành cho các cây bút trẻ. Tôi chưa thấy một nhà thơ đàn anh nào quý trọng các cây bút trẻ như Chim Trắng”.

 Tác giả dành phần cuối kể chuyện về những chuyến đi nước ngoài; có khi là đi chơi hay đi giao lưu khi sách của mình được dịch ra tiếng nước ngoài hoặc đi hội chợ sách. Tác giả đưa người đọc chu du từ Á sang Âu rồi qua Mỹ như những nhịp cầu nối liền Việt Nam và thế giới, với cái nhìn rất riêng. Trong câu chuyện Lang thang Paris, Nguyễn Nhật Ánh tả một buổi tối cuối tuần: “Tối chủ nhật, trời Paris mưa và lạnh (mưa cuối năm ở Paris rất lạ: cứ mưa nửa tiếng lại tạnh nửa tiếng, rồi lại mưa nửa tiếng, cứ thế) nhưng đại lộ Champs-Élysées vẫn đông nghịt người qua lại. Hầu như tất cả đều mặc áo măng-tô hoặc áo khoác đen”. Hay như trong ngày lễ Noel ở Mỹ: “Họ rút hết vào trong nhà chứ không đổ ra đường như dân Việt Nam. Cho nên ở Mỹ trong những ngày này, trừ các khu giải trí dành cho khách du lịch, hổng thấy dấu hiệu gì của lễ hội vui chơi. Ở các khu phố của Mỹ, không khí vẫn bình lặng như ngày thường”.

Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết sách cho tuổi thơ với nhiều tác phẩm nổi tiếng như bộ truyện Kính vạn hoa (54 tập) hoặc Mắt biếc, Chuyện cứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ… Tác giả đã được trao nhiều giải thưởng văn học trong nước và giải thưởng văn học ASEAN vào năm 2010. Anh sinh năm 1955 tại H.Thăng Bình (Quảng Nam); từng là giáo viên, thanh niên xung phong và hiện làm việc ở báo Sài Gòn Giải Phóng. Dù đã tập sáng tác từ trên ghế nhà trường trước 1975, nhưng toàn bộ hơn 100 tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh đều được sáng tác trong thời đất nước hòa bình; có tác phẩm như bộ truyện Kính vạn hoa đã được in hơn 1 triệu bản, kỷ lục trong làng văn nước nhà.

Riêng với quyển tạp bút Sương khói quê nhà này, tựa một góc nhỏ về quá khứ và hiện tại của xã hội Việt Nam 38 năm qua với một bút lực - như lời nhà thơ Ý Nhi: “Nguyễn Nhật Ánh dẫn dụ người đọc bởi kiến thức đời sống sâu rộng, óc quan sát tinh tế, sự liên tưởng độc đáo và một văn phong giàu cảm xúc, sáng sủa, đỉnh đạc”.

Lạc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.