1. Khám phá Phong Nha - Kẻ Bàng
Tuổi của kỳ quan này có trên 400 triệu năm, từ thời kỳ tạo sơn Hec-ni-xi. Đây là vùng cácxtơ có mức độ phóng hỏa mạnh, chiều dài khoảng 200 km trên dãy Trường Sơn, có bề dày từ 1.000 - 2.000m. Hằng năm, cả vùng núi bạt ngàn này đón nhận lượng mưa lớn từ 2.500 - 3.000 mm. Nước mưa chảy qua những vết nứt, những hốc đá, xâm thực, bào mòn, hòa tan, kết tụ, tạo thành các con sông ngầm và vô số hang động lớn nhỏ.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: "Động Thầy Tiên (tên gọi của Phong Nha lúc đó) cách huyện Bố Trạch 40 dặm về phía tây, lại có tên là núi Động Thầy. Lưng động dốc như vách, âm u sâu thẳm, trong động thạch nhũ rủ xuống, hoặc như cây hoa, hoặc như chuỗi ngọc, hoặc như tượng Phật, hoặc như gấm vóc...". Như vậy, ông cha ta đã khám phá, chiêm ngưỡng, ngợi ca Phong Nha từ hàng trăm năm trước.
Cuối thế kỷ XIX, linh mục người Pháp là Lê-ô-pôn Ca-đi-ê khi đến đây còn phát hiện ra bàn thờ và chữ Chăm cổ khắc trên vách đá, lại có cả những viên gạch Chăm - thứ gạch bằng đất không nung. Những năm 20, 30 của thế kỷ XX, rất nhiều nhà nghiên cứu người Pháp, người Anh đã đến nơi này. Và không thể khác, họ đều hết lời ngợi ca vẻ đẹp có một không hai của hang đá, nhũ đá, kiệt tác nghệ thuật mà chất liệu tạo nên chỉ là ba yếu tố: nước mưa, đá vôi và thời gian.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng được thám sát kỹ càng, nhiều đợt, với sự tham gia của Hội Địa lý hang động Hoàng gia Anh; khoa Địa lý, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; Hội Hang động Việt Nam. Ông Hâuuốt - Limbớt, Trưởng đoàn thám hiểm người Anh khẳng định: "Động Phong Nha là hang động nổi tiếng nhất của Việt Nam và là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới". Tiếp đó, các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài liên tục giới thiệu kỳ quan này tại 14 trường đại học châu u và hàng chục tờ báo lớn trên thế giới.
Đến Phong Nha - Kẻ Bàng, du khách được thăm động Nước, dài chừng 14 km với hang Ngoài, hang Trong, hang Cạn; với muôn vàn bức họa, bức điêu khắc tài tình của tạo hóa về cõi tiên, cảnh Phật, gốc bồ đề, phượng múa, rồng bay, những trận chiến oai hùng, những tòa lâu đài nguy nga, những cột đá nhũ vàng xanh tráng lệ, những hình chim, thú đủ loài... Ở trên lưng chừng núi, du khách gặp động Khô, càng đi càng mê đắm. Dường như đời sống muôn màu ngoài kia đều được thể hiện - nhưng ở trình độ hoàn mỹ - ở nơi này. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hàng trăm loài thực vật, động vật, trong đó có nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.
2. Di sản thiên nhiên và di sản văn hóa
Cùng với món vô giá của thiên nhiên, vùng Phong Nha - Kẻ Bàng còn lưu giữ những nét văn hóa độc đáo mà cư dân bản địa từ bao đời kể lại. Ở động Khô, trong quá trình khám phá, các nhà nghiên cứu tìm thấy những lớp vỏ ốc, tro bếp, một số đồ gốm, đất nung, tên đồng, mũi giáo. Từ dấu vết người Chăm và nền văn hóa Chăm ở động Bi Ký, có người nêu giả thiết: phải chăng, từ những nhũ đá có vẻ đẹp kỳ bí và hình khối độc đáo là ý tưởng để người Chăm xây nên hàng trăm đền, tháp trải dài suốt dải đất miền Trung? Rất có thể.
Những năm đánh Mỹ, mảnh đất này là huyết mạch giao thông quan trọng, là một phần của đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bến phà Xuân Sơn bắc qua sông Son, gần với cửa lớn vào động Phong Nha. Ngày đó, những người đảm bảo giao thông, những đoàn quân lên đường vào Nam đã khắc lên vách đá câu khẩu hiệu: "Động là nhà, bến phà là trận địa". Một số hang ở đây được dùng làm nơi cất giấu hàng hóa, vũ khí, đạn dược, cứu chữa thương binh.
Thăm Phong Nha - Kẻ Bàng hôm nay, du khách không thể không đến với tượng đài Chiến thắng do lực lượng thanh niên xung phong xây dựng; ngược đường 15A lên Minh Hóa đến thăm trận địa pháo của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân với lời hô bất tử: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn!"; đến Km 16 đường 20 Quyết thắng thắp hương cho 8 liệt sĩ thanh niên xung phong mãi mãi tuổi 20 lấy hang đá làm nấm mồ chung. Du khách còn có thể từ đây đến thắng cảnh đèo Ngang, sông Giang, cửa biển Nhật Lệ, suối nước khoáng Bang, biển Đá Nhảy, thác Mọc, sông Ngang, cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma, cồn cát Hiểu Ngọ, Bàu Tró, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và con đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn công nghiệp hóa sẽ đưa du khách vào Nam, ra Bắc, đến với nhiều danh thắng khác của đất nước.
3. Những "quả trứng vàng" đầu tiên
Du lịch vùng Phong Nha - Kẻ Bàng đi lên từ vốn tự có của tạo hóa và do đó, buổi đầu không thể thoát khỏi tính tự phát, giản đơn. Trước đây, người dân xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) sống chủ yếu bằng nghề nông: trồng lúa, màu, đánh cá, khai thác lâm thổ sản. Họ bóc lột rừng nhưng cuộc sống chẳng mấy khấm khá. Khi nhu cầu tham quan, du lịch động Phong Nha của du khách tăng lên, những chiếc thuyền đánh cá trên sông Son kết hợp thêm nhiệm vụ chở khách. Dần dà, những con thuyền du lịch với kiểu dáng, màu sắc tươi tắn xuất hiện. Giá mỗi thuyền khoảng 30-50 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ đến khi Trung tâm du lịch Phong Nha ra đời, hoạt động du lịch ở đây mới đi vào nề nếp. Để phục vụ nhu cầu của khách, đội thuyền ở đây được thành lập với 235 chiếc.
Năm 2003, Phong Nha - Kẻ Bàng đón trên 200.000 lượt khách, thu về 5 tỉ đồng tiền bán vé (mỗi vé tham quan cho một người là 25.000 đồng), nếu tính cả nguồn thu từ chở thuyền, bán hàng, dịch vụ, cả khu du lịch thu về từ 7 - 8 tỉ đồng. Năm 2004 và 2005, con số vừa nêu tăng đáng kể. Năm 2006, tỉnh Quảng Bình dự định tổ chức lần đầu lễ hội Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm phát huy và khai thác tốt hơn những giá trị nhiều mặt của khu di sản thiên nhiên thế giới này. Lễ hội sẽ có nghi lễ "xin nước tiên", rước kiệu, dâng hương, dâng lễ vật, hội chợ truyền thống, hát tuồng Khương Hà, hò khoan Lệ Thủy, chèo cạn Cảnh Dương, hành trình thăm lại chiến trường xưa.
Trong quá trình bảo tồn, tôn tạo, khai thác những giá trị sinh thái tự nhiên cũng như các giá trị văn hóa truyền thống, Phong Nha - Kẻ Bàng rất cần giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, thẳm sâu của mình. Phải làm sao để ngàn năm sau, chốn này còn mãi cảnh "mây vờn lãng đãng, gió mênh mông; sơn thần chao võng mơ màng ngủ; viễn khách động lòng ngẩn ngơ trông".
Nguyễn Thế Kỷ
Bình luận (0)