Tư lệnh và Chính ủy Đại đoàn cũng đích thân đến Đồi Cháy và chân đồi A1 để quan sát tình hình và động viên chúng tôi. Một lần đến thăm chúng tôi, Tư lệnh hỏi: "Tiểu đoàn 9 thế nào?". Câu hỏi hơi trừu tượng nhưng tôi cũng báo cáo: "Thưa anh, thực lực không bằng lần trước nhưng thế mạnh lại gấp nhiều lần ạ!". Ông cười, gật đầu rồi nói: "Cố gắng nhé!".
Chính ủy Đại đoàn trước ngày N cũng gọi điện động viên chúng tôi.
Cuối cùng mọi công việc đã chuẩn bị xong. Ngày N đã đến. Ngày 5.5.1954, anh An thông báo: Đồng chí Nguyễn Đức Y, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng trung đoàn sẽ tăng cường cho chỉ huy Tiểu đoàn 9, đồng thời nhắc nhở tiểu đoàn một số điều cần chuẩn bị để đơn vị khỏi bị ảnh hưởng của khối thuốc nổ phá hầm ngầm.
Theo ý kiến của các chuyên gia, với trọng lượng 1.000 kg, khối thuốc này sẽ có tiếng nổ rất lớn, sức chấn động cực mạnh, có thể làm vỡ mang tai, tức ngực, thậm chí đứt mạch máu não của những người lộ trên mặt đất trong khoảng cách 300 m; ánh lửa chớp của nó có thể làm mù mắt các sinh vật cách khoảng 200 -
300 m. Tiểu đoàn 249, đơn vị gần khu vực nổ nhất cần phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Tất cả phải ở dưới giao thông hào cách xa trung tâm nổ 300 m trở lên.
- Nằm quỳ gối, chống tay, nhắm mắt, há mồm, chổng mông về hướng nổ.
Nghe phổ biến xong, chúng tôi rất lo, nếu khối thuốc không nổ, tổ bộc phá sẽ rất khó khăn vì khoảng cách 300 m khá xa, anh em dễ bị thương vong khi lên phá hàng rào. Anh Lê Sơn đề nghị cho bố trí cách 100 m thôi vì ta nằm dưới hào, tâm nổ lại trên lưng chừng đồi cao hơn ta tới
10 m chắc không ảnh hưởng mấy, nhưng trung đoàn không đồng ý vì không bảo đảm. Vì vậy chúng tôi phải cấp tốc tăng thêm bộc phá viên dự bị.
19 giờ tối 6.5, tiểu đoàn đã triển khai đội hình hàng dọc dưới giao thông hào, trừ tổ canh gác, còn tất cả quay lưng về phía A1.
19 giờ 30 rồi 20 giờ, tôi sốt ruột hỏi anh Y: "Sắp đến giờ G chưa?", anh đáp: "Sắp rồi đấy!".
20 giờ 15 phút vẫn chưa nghe thấy tiếng bộc phá nổ. 20 giờ 30 phút, bỗng có tiếng chân người lao xao chạy từ phía A1 lại. Có người hỏi: "Cái gì thế?". Tôi cũng hỏi tiếp: "Ai đấy?" thì có tiếng trả lời khẽ: "Công binh đây. Điểm hỏa rồi, sắp nổ rồi!".
Anh Y gọi điện về Trung đoàn, còn tôi thì hạ lệnh: "Chống tay, nhắm mắt, há mồm!". Hô xong, tôi vội phục xuống hào chống tay, nhắm mắt, há mồm, chổng mông về phía A1.
Lúc này, thần kinh tôi căng thẳng, chờ đợi tiếng nổ kinh thiên động địa mà thầm lo không biết mình có chịu đựng nổi không. Nếu xảy ra chuyện gì thì thật đáng tiếc cho bao nhiêu ngày chuẩn bị mà không được chiến đấu.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Một phút rồi hai phút trôi qua, sao thời gian chậm thế? Sao mấy "thằng cha" để dây cháy chậm dài thế? Miệng khô, họng rát mà không dám ngậm lại để nuốt nước bọt; đầu ngứa, cổ ngứa cũng không dám bỏ tay để gãi. Chỉ sợ mình vừa ngậm mồm vào hay rời bàn tay ra khỏi tai thì nó lại nổ. Cứ thế khoảng 4 - 5 phút sau mới nghe thấy "ục" một tiếng nặng nề kèm theo một chấn động nhẹ làm rung rinh mặt đất. Khoảng 1 giây đồng hồ và một ít đất đá vụn bắn xuống chân đồi.
Có tiếng Lê Sơn quát: "Nổ rồi". Tôi không ngờ sự việc lại kết thúc quá nhẹ nhàng so với dự kiến, đồng thời cũng lo lắng chưa hiểu kết quả ra sao.
Tôi hét to: "Báo cáo anh Y, cho bộ đội tiến lên nhé". Và hô to: "Tiến lên!".
Khoảng 30 phút chiến đấu, đại đội 317 đã chiếm được trung tâm chỉ huy A1 và phát triển tiếp về phía tây. Địch ở đây dạt sang 2 bên và tiếp tục bị các đại đội 316, 315 diệt, bắt sống.
Đại đội 316 tiến vào căn cứ địch từ phía nam hố bộc phá phát triển theo hướng tây nam, hướng này địch chống cự khá quyết liệt,
Đại đội trưởng Trương Duyên bị thương ngay từ đầu nhưng anh em vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu. (còn tiếp)
Bình luận (0)