Ngày 1.12, trước đám đông tham gia mít tinh tại thành phố Cincinnati, bang Ohio, điểm dừng chân đầu tiên của chuyến công du tri ân cử tri Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố: “Chúng tôi chuẩn bị đề cử “Chó điên” Mattis làm bộ trưởng quốc phòng”. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng cho biết thêm ông sẽ đưa ra đề cử chính thức vào ngày 5.12, theo Reuters.
Vị tướng lừng lẫy
Nhân vật có biệt danh “Chó điên” (Mad Dog) mà ông Trump nhắc đến chính là đại tướng thủy quân lục chiến về hưu James Mattis, 66 tuổi, một tên tuổi gắn liền với nhiều chiến dịch nổi bật của quân đội Mỹ trong 20 năm qua.
Trên cương vị tướng một sao, tướng Mattis từng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của thủy quân lục chiến đột kích bằng trực thăng xuống tỉnh Kandahar, Afghanistan, vào tháng 11.2001, thiết lập căn cứ tiền phương cho cuộc chiến chống Taliban sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001.
Trong chiến dịch tấn công Iraq năm 2003, Mattis chỉ huy sư đoàn thủy quân lục chiến số một tiến vào thủ đô Baghdad trước khi trở lại quốc gia này để tham gia trận chiến đẫm máu ở thành phố Fallujah. Khi còn là tướng 3 sao, ông cũng là đồng tác giả tài liệu huấn luyện chống chiến tranh du kích kiểu mới của quân đội Mỹ, cùng soạn thảo với đại tướng lục quân David Petraeus.
|
Vào tháng 8.2010, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh miền trung (CENTCOM), trước khi bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama thay thế đột ngột vào tháng 3.2013.
“Chó điên” không phải là cách gọi miệt thị mà trái lại là biệt danh thể hiện sự nể trọng trong giới quân nhân dưới quyền Mattis, nhờ vào tinh thần lăn xả và phong cách ăn nói bạt mạng của ông. Chẳng hạn, nói về Taliban, ông từng tuyên bố: “Các anh đến Afghanistan, các anh gặp những gã đánh đập phụ nữ trong 5 năm chỉ vì họ không đeo mạng… Thế nên, thật sảng khoái khi bắn bọn chúng”. Viên tướng này cũng từng quát thẳng vào mặt giới lãnh đạo Iraq rằng “nếu các người lộn xộn, đừng trách ta bắn bỏ”.
Tuy vậy, bất chấp những phát ngôn gây nhiều phiền toái đó, tướng Mattis được đánh giá là một nhà hoạch định chiến lược tầm cỡ. Theo tờ The Washington Post, ông nhận được sự tôn trọng trong nội bộ Lầu Năm Góc cũng như người ngoài nhờ vào tầm nhìn sắc sảo và thái độ quyết liệt trong việc bảo vệ quan điểm, dù phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình. Vì sống đời độc thân, nên Mattis còn có một biệt danh nổi tiếng khác là “Tu sĩ chiến binh”.
Ông đặc biệt có thái độ cứng rắn với phía Iran, cho rằng chính quyền Obama quá ngây thơ khi chấp nhận thỏa thuận hạt nhân với Tehran. Trên thực tế, chính quyền Obama tước chức chỉ huy CENTCOM của Mattis vì liên tục xung đột về đối sách với Iran. Và đây có thể là lý do chính đằng sau việc ông được ông Trump “chọn mặt gửi vàng”. Trong quá trình tranh cử, nhà lãnh đạo tương lai luôn thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Iran và chỉ trích dữ dội thỏa thuận hạt nhân giữa Washington - Tehran.
tin liên quan
Ông Trump chọn tướng Matt Mattis làm bộ trưởng Quốc phòngTổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chọn cựu đại tướng về hưu Matt Mattis, người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội Mỹ lẫn NATO, làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Rào cản pháp lý
Tuy “tâm đầu ý hợp” về Iran, tướng Mattis cũng có những khác biệt về quan điểm với ông Trump trong các lĩnh vực chính sách quan trọng. Chẳng hạn, ông không đồng tình với các tuyên bố mang tính hòa giải của ông Trump với Nga vì cho rằng các chính sách của Moscow về Syria, Ukraine và vùng Baltic là đáng báo động. Ông cũng từng nói thẳng với ông Trump rằng việc tra tấn nghi can khủng bố không hiệu quả và nhờ đó làm thay đổi quan điểm của tỉ phú Mỹ về vấn đề này.
Tuy vậy, xuất thân quân sự của tướng Mattis hiện là một rào cản cho quá trình bổ nhiệm của ông. Ông rời quân ngũ vào năm 2013, và luật hiện hành quy định các cựu sĩ quan không được giữ chức bộ trưởng bộ quốc phòng trừ phi giải ngũ được 7 năm. Vì thế, ông Trump cần phải thuyết phục quốc hội thông qua luật miễn trừ dành cho ông Mattis, điều mà giới lập pháp chỉ mới đồng ý một lần kể từ khi quy định trên được ban hành vào năm 1947. Ngoại lệ duy nhất xảy ra vào năm 1950, khi quốc hội mở đường cho tướng lục quân về hưu George Marshall giữ chức vụ trên dù ông chỉ mới giải ngũ được 5 năm.
Về vấn đề này, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, và hạ nghị sĩ Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, đều ủng hộ chọn ông Mattis. “Tướng Mattis hiểu rõ nhiều thách thức đang chờ đợi Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta”, theo tờ The Washington Post dẫn lời ông McCain.
Nếu được bổ nhiệm, ông Mattis cũng sẽ là cựu tướng đầu tiên lãnh đạo Lầu Năm Góc kể từ thời tướng Marshall.
Nội các tướng lãnh của ông Trump
Tướng Mattis là vị tướng về hưu thứ hai được ông Trump chọn vào nội các sắp tới. Người đầu tiên là tướng lục quân Michael Flynn cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Ngoài ra, tướng lục quân David Petraeus hiện cũng đang được cân nhắc cho vị trí ngoại trưởng, trong khi tướng thủy quân lục chiến John Kelly tràn trề hy vọng trở thành Bộ trưởng An ninh nội địa.
Giới truyền thông và những nhà quan sát hiện lo ngại một chính quyền toàn tướng của ông Trump có thể dẫn đến chính sách ngoại giao đặt quân đội ở vị trí trung tâm, làm xói mòn nguyên tắc dân sự kiểm soát quân sự lâu đời của Mỹ.
|
Bình luận (0)