(TNO) Trong khi thế giới đang la hoảng sau vụ Mỹ “thả bom nhầm” một bệnh viện ở Afghanistan làm 22 người chết, chính các cựu binh Mỹ tiết lộ từ thời chiến tranh Việt Nam, họ đã được lệnh tìm bệnh viện mà... dội bom.
Trước khi bị máy bay Mỹ dội bom, bệnh viện này là nơi các bác sĩ cứu chữa cho nhiều thường dân bị thương cuộc nội chiến ở Afghanistan - Ảnh: AFP |
Ông Alan Stevenson, một cựu chuyên viên tình báo của quân đội Mỹ, cho biết khi ở Quảng Trị (Việt Nam) vào năm 1969, ông thường đưa bệnh viện của quân Giải phóng vào danh sách mục tiêu tấn công cho máy bay Mỹ, theo The Nation (Mỹ) ngày 5.10 dẫn lại một bài báo đăng trên tờ Newsday ngày 9.8.1973. Ông còn nói thêm: “Bệnh viện càng lớn thì càng tốt”.
Theo giải thích của Stevenson thì không phải các tư lệnh Mỹ muốn tấn công những binh lính của đối phương đang bị thương mà vì một lý do khác: các bệnh viện này thường được bộ đội bảo vệ, có khi ở quy mô tiểu đoàn.
Bệnh viện tại Kunduz (Afghanistan) cháy rụi, thiêu cháy ít nhất 6 bệnh nhân sau cuộc dội bom "nhầm" của máy bay Mỹ ngày 3.10.2015 - Ảnh: AFP
|
Trong thư gởi tới buổi điều trần ngày 9.8.1973 tại Quốc hội Mỹ, một cựu sĩ quan Mỹ tên Rowan Malphurs cho biết ông thường phân tích các hình ảnh chụp từ trên không về những nơi bị máy bay B-52 của Mỹ thả bom tại Campuchia vào năm 1969 và 1970. Malphurs viết: “Tôi nhiều lần thấy những nơi có lẽ là bệnh viện đã bị dội bom… Có lần tôi thấy dấu chữ thập đỏ trên một tòa nhà đã bị bom phá hủy hết phân nửa”.
Lính thủy quân lục chiến Mỹ ở Afghanistan - Ảnh: AFP
|
Những thông tin này được The Nation trích lại bài báo đăng trên tờ Newsday ngày 9.8.1973 với tựa đề “Dội bom bệnh viện là chuyện thường ngày”, viết về một phiên điều trần tại quốc hội về các hoạt động bí mật của không quân và bộ binh Mỹ tại Campuchia và Lào.
Một cựu lãnh đạo không quân Mỹ, ông Gerald Greven, tuyên bố bản thân ông từng ra lệnh ném bom vào bệnh viện. “Chính sách rất rõ ràng: tìm bệnh viện mà tấn công”, ông Greven cho biết.
Trong vụ tấn công vào bệnh viện tại tỉnh Kunduz của Afghanistan hồi cuối tuần qua, tổng thống Mỹ Barack Obama đã “rất lấy làm tiếc” mà thừa nhận rằng quân đội Mỹ có lẽ đã bỏ bom... nhầm, cam kết sẽ điều tra ngọn ngành vụ việc! Vụ này đã làm 22 nạn nhân thiệt mạng, trong đó 12 người là nhân viên của tổ chức Thầy thuốc không biên giới đang làm việc tình nguyện tại đây.
|
Bình luận (0)