Đói bụng Sài Gòn ơi: Thèm phở, bánh mì, nhớ bữa cơm gia đình

11/08/2021 17:20 GMT+7

Thèm một tô phở nghi ngút khói, rắc thêm thật nhiều hành và giá, ngò; thèm được cắn một ổ bánh mì đầy pate, chà bông, đồ chua vỏ ngoài giòn rụm và uống thêm vài ngụm cà phê sữa đá. Đói bụng quá Sài Gòn ơi…

Sài Gòn giãn cách xã hội chống dịch vài tháng nay, nhịp sống hối hả nhộn nhịp của thành phố tạm nhường cho cái vắng vẻ, lặng lẽ từ sáng sớm tới tối khuya. Hàng quán đóng cửa, nỗi nhớ phở, hủ tíu, bánh canh đi vào những điều ước của nhiều người trẻ “hết giãn cách một cái, điều đầu tiên mình làm là phi ra quán ăn ngay tô này, uống hết ly kia….”. Những món ăn vỉa hè dân dã ngày nào có thể dễ dàng kiếm khi đói bụng như bột chiên, hột vịt lộn, bánh tráng trộn, nước mía, bánh mì… cũng trở thành điều xa xỉ.

Nào bánh tráng trộn...

Ảnh: 'Đói bụng Sài Gòn ơi'

Ảnh Lê Nam

Tiệm phở trong nỗi nhớ của "Đói bụng Sài Gòn ơi"

Tô phở ước mơ của nhiều người lúc này

Bảo Vy

Trong những ngày như thế, Nguyễn Sơn Tùng, 29 tuổi, trú Q.1, TP.HCM và người bạn hoạ sĩ minh họa Mèo Mập Ú của mình hoàn thành bộ tranh "Đói bụng Sài Gòn ơi". 11 tranh về những món gần gũi với đường phố như phở, cơm tấm, bánh mì, hủ tiếu gõ... và những hình ảnh khiến ai cũng quay quắt nhớ mùa dịch này, đó là góc bếp của bà và mâm cơm gia đình của mẹ.
“Ý tưởng về bộ tranh đã có từ cách đây 5 năm, khi tôi du học tại Nhật Bản và nhớ về Sài Gòn quê nhà, lúc đó tôi từng phác thảo những nét đen trắng về bộ tranh. Mùa dịch này, tôi hay nói chuyện với một người em là bác sĩ ở tuyến đầu đang chống dịch, tôi hiểu các bạn đang thèm không khí gia đình và muốn được trở về nhà như thế nào. Tôi xúc động, tôi và họa sĩ minh họa Mèo Mập Ú cùng làm bộ tranh "Đói bụng Sài Gòn ơi", với màu sắc tươi mới hơn, mong sẽ thêm động lực cho mọi người để cùng nhau vượt qua đại dịch này”, Nguyễn Sơn Tùng bộc bạch.

Nào bánh mì...

Ảnh: 'Đói bụng Sài Gòn ơi'

Ảnh Giang Vũ

Một tuần để hoàn thành bộ tranh và công bố trên mạng xã hội, Nguyễn Sơn Tùng nhận được nhiều phản hồi tích cực của những người trẻ khác. Điều mà anh và người bạn họa sĩ minh họa của mình cảm thấy hạnh phúc nhất, là nhận được tin nhắn từ các bạn là y bác sĩ tuyến đầu.
“Mọi người nói có những bức tranh khiến họ bồi hồi xúc động, như bức "cơm nhà". Đó là động lực để chúng tôi cố gắng hơn trong đợt dịch khó khăn lần này. Tôi vốn là “chân đi” mà, lúc nào cũng mong Sài Gòn bình yên trở lại để mình có thể “đi”, có thêm nhiều ý tưởng để làm việc. Chúng tôi sẽ còn làm thêm nữa, những dự án cổ vũ cộng đồng như thế này, bởi nó khiến bản thân tôi cảm thấy mình có ích”, chàng trai là giám đốc sáng tạo, giám đốc mỹ thuật của dự án “Đói bụng Sài Gòn ơi” chia sẻ.

Hai hình ảnh khiến nhiều bác sĩ tuyến đầu xúc động vì nhung nhớ

Ảnh "Đói bụng Sài Gòn ơi"

Ở ngay Sài Gòn mà nhớ Sài Gòn

Không chỉ Nguyễn Sơn Tùng, Mèo Mập Ú và những bạn trẻ đang là bác sĩ tuyến đầu nhớ về bữa cơm nhà đầm ấm, góc bếp của bà và những hương vị giản dị của phố phường. Những ai yêu và thương Sài Gòn đều da diết nhớ tiếng rao bánh mì mỗi sáng sớm và xế chiều trong ngõ hẻm; nhớ tiếng rao xôi giữa đêm khuya; nhớ xe nước mía, xe hủ tiếu gõ, tiệm phở quen và hàng bánh mì quen trên phố… Những tình nguyện viên đi chống dịch ở Sài Gòn thì tha thiết nhớ một bữa cơm đầm ấm bên gia đình thân quen.
Trần Thanh Trà, 21 tuổi, trú đường Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM, quê Bến Tre, nói: “Khi ngày Sài Gòn hết giãn cách một cái, chắc mình phải ra phố ăn hàng cho thật đã rồi chạy ào về quê thăm ngoại, bấy lâu rồi mình chưa được về ôm ngoại?”.

Xe nước mía đậm chất Sài Gòn

Ảnh "Đói bụng Sài Gòn ơi"

Chàng trai Bùi Nguyễn Văn Nguyên, 9X, sáng lập dự án “Ở đâu cũng chụp” và “Sài Gòn Chơn Thành” thì kể với chúng tôi, những ngày ở nhà giãn cách xã hội này, những ý tưởng làm gì ngay khi Sài Gòn hết dịch luôn khiến anh háo hức.
Hành trình một ngày đi, chụp ảnh và ăn vặt khắp Sài Gòn đã được Nguyên kể ra với đầy sự mong chờ: “Sáng mình sẽ dậy thiệt sớm lúc 4 giờ, chạy dọc phố đón không khí sớm Sài Gòn nè, rồi chạy qua tuốt đảo Kim Cương để đón hừng đông đẹp tuyệt vời cho tới lúc mặt trời lên. Mình chạy ngược dìa thành phố kiếm quán ăn sáng ruột hông thôi mua liền ổ bánh mì bên đường, rồi ghé sữa tươi Mười ngồi nhâm nhi ngắm phố phường. Sau đó chạy qua chợ, chợ Hoà Bình hay Thủ Đô chi cũng được, dạo thiệt đã chụp mớ ảnh, nghe mớ thanh âm quen thuộc đã cái nư luôn.
Xong sau đó chắc cỡ mười giờ, lúc này nắng bắt đầu rọi xuống các cung đường rợp cây thích lắm nè, dạo khắp chốn phố luôn, tiện kiếm quán bỏ bụng giữa trưa luôn hen. Rồi mình sẽ ghé lại mấy chúng cư quen thuộc, Nguyễn Thiện Thuật, Nhà Cháy, Nguyễn Trãi dạo từ tầng 1 tới tầng 4, từ lô này tới lô kia, ngó đủ góc chúng cư, ghi lại mớ nét xưa đặc trưng của Sài Gòn.

Ly cà phê sữa đá, bạc xỉu đá của Nguyên là nhiều người thèm quá chừng

Ảnh Bùi Nguyễn Văn Nguyên

Ăn vặt đây đó lót bụng xíu rồi ngó trời để biết leo cầu nào sẽ ngắm được hoàng hôn đẹp, mong trời Sài Gòn sẽ rực rỡ lúc phố xá bình thường lại.
Rồi mình sẽ chạy tuốt bên quận 5, quận 11 kiếm lại cái quán nước sâm quen thuộc, kêu liền hai ly mát lạnh uống tại chỗ luôn cho đã khát, nạp thêm chút năng lượng dạo phố đêm Sài Gòn. Tới gần cuối ngày, trước khi dìa nhà thì tấp đại một quán vịt lộn ven đường, đập ba trứng với chục cút lộn, trái bắp luộc nhâm nhi chuyện đời chuyện phố thị là bá cháy luôn”.
Sài Gòn thiệt lạ, ngồi đây giữa Sài Gòn mà vẫn nhớ Sài Gòn, mà nhớ đâu phải cao ốc xa hoa, ánh đèn phố xá thênh thang, người trẻ vẫn nhớ về thành phố từ những điều giản dị, thân quen như thế.

Còn đây là hủ tiếu cá Phát mập nha bà con ơi... Có ai đang thèm không?

Ảnh Bùi Nguyễn Văn Nguyên

Nguyễn Sơn Tùng, người cùng thực hiện bộ ảnh “Đói bụng Sài Gòn ơi” kể, anh và nhiều người trẻ có tình cảm đặc biệt với những món ăn lề đường thành phố mình, đất nước mình. Bởi ở đó là những kỷ niệm của mọi người cùng gia đình, bạn bè. “Như tôi và em trai có những quán hủ tiếu gõ ruột mà cứ hễ nó về là sẽ cùng đi ăn (em tôi đang sống ở Tokyo, Nhật Bản), hay quán phở, quán bún bò... đầy kỷ niệm. Ở nước ngoài họ làm cách mấy cũng không đúng vị được những món ăn quê mình đâu”, anh xúc động.
Nhớ Sài Gòn ngày bình yên, thèm những món ăn giản dị của Sài Gòn khi đói bụng để cùng nguyện cầu cho Sài Gòn cùng đi qua dịch bệnh thật vững vàng. Để mai này, không ai còn phải xa mâm cơm nhà, chúng ta lại cùng ngồi với nhau, thật vô tư ở giữa thành phố này…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.