'Đời, có yêu tôi?', cuốn tự truyện chông chênh số phận của nhà báo Lưu Đình Triều

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/05/2024 12:34 GMT+7

Quen biết nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên được biết về những chông chênh số phận mà ông trải lòng qua tự truyện 'Đời, có yêu tôi?' (NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành). Và dù đời có lúc này lúc khác, yêu hoặc không yêu thì tác giả vẫn làm chủ những đường đi, lối rẽ của mình.

Khi cuốn tự truyện Đời, có yêu tôi? của nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều còn xuất hiện ở dạng bản thảo, ngày nào gặp nhà thơ Lê Minh Quốc cũng thấy ông săm soi, tẩn mẩn nhâm nhi từng chi tiết, bởi ai cũng biết Lê Minh Quốc là bạn rất thân của tác giả, và là "ông bầu" mát tay của tác phẩm hấp dẫn này.

Tự truyện Đời, có yêu tôi? của nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành

Tự truyện Đời, có yêu tôi? của nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành

NXB

Nói về cuốn tự truyện, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: "Từ đời riêng, số phận éo le của anh Lưu Đình Triều và người cha là nhà báo lừng danh Lưu Quý Kỳ đã trở thành những nhân vật điển hình trong một giai đoạn lịch sử điển hình của đất nước: cha và con đứng hai chiến tuyến. Do đó, khi đọc tự truyện này cũng là lúc chúng ta cảm nhận được sự "lột xác" kỳ thú, nghị lực "đổi đời" của một số phận tiêu biểu trong dòng chảy của thời cuộc".

Nhà phê bình văn học - GS.TS Huỳnh Như Phương chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình cùng những vướng víu và nỗ lực cá nhân của Lưu Đình Triều cho thấy bản thân anh cũng là một "nhân vật" tiêu biểu của thế hệ đôi mươi khi đất nước chuyển sang bước ngoặt lịch sử vào năm 1975. Với Lưu Đình Triều và những người cùng thế hệ với anh, có thể nói thêm, không ai chọn thời mà sinh ra. Đó là cái thời mà cha con, anh em, bạn bè run rủi cho số phận có thể đứng hai bên bờ chiến tuyến. Cái thời đó đã khép lại và nỗ lực của những người thiện chí là mở ra một thời kỳ mới cho sự hòa giải và hòa hợp. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: "Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được". 

Gắn liền với sự kiện Hiệp định đình chiến Triều Tiên được ký kết ngay từ khi chào đời, cái tên Đình Triều có lẽ cũng vận vào cuộc đời tác giả. Cùng với họ người cha, cái tên Lưu Đình Triều từ đó mà thành danh.

Lưu Đình Triều là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và là một nhà báo kỳ cựu

Lưu Đình Triều là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và là một nhà báo kỳ cựu

GIẢN THANH SƠN

Đã nhiều lần nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều tự vấn rồi tự trả lời:

Đã nhiều lần nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều tự vấn rồi tự trả lời: "Đời, có yêu tôi?", và câu hỏi ấy trở thành tựa sách

NXB

"Cứ cố vươn lên mà sống..."

Đã nhiều lần nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều tự vấn rồi tự trả lời: "Đời, có yêu tôi? - Có! Vậy mà sao Đời nỡ đặt tôi vào cảnh thiệt thòi, ngang trái. Ngay từ tấm bé, tôi phải sống như trẻ mồ côi. 7, 8 tuổi, tôi đã biết lê la đầu đường xó chợ, trộm cắp vặt. 13 tuổi đã lận bộ bài sau lưng, đi kiếm tiền. Vừa qua tuổi trưởng thành, tôi bị đẩy vào lính, cầm súng chống lại cha mẹ mình.

Đời có yêu tôi? - Không! Thế tại sao Đời lại chỉ cho cô, chú tìm thấy tôi đúng lúc, ngăn tôi trở thành một tên du thủ, du thực để bắt đầu học hành đàng hoàng. Đời lại còn cho tôi sự may mắn: bị đẩy ra trận, chỉ dăm ba lần trúng thương mà nhẹ hều. Sau ngày đất nước thống nhất đất nước, vừa bị đi học tập cải tạo về, Đời "vẽ đường" cho một người bạn học cũ tìm đến, làm bảo lãnh xóa quản chế - tạo bước ngoặt quan trọng để tôi sớm hòa nhập cuộc sống mới…

Đời, có yêu tôi? Có có! Không không!".

Thật vậy. Ngay từ nhỏ, cuộc đời đặt Lưu Đình Triều vào cảnh thiệt thòi, ngang trái. Cậu bé phải sống cảnh như trẻ mồ côi. Cậu bé Triều luôn nghĩ thầm, đời có buồn có cực khổ mấy cũng lạc quan sống, duy nhất chỉ có lúc những đứa trẻ trong xóm trêu đùa thân phận" thằng mồ côi" là buồn chịu không thấu. 

Tuổi thơ thằng bé Triều đã nghe câu "thằng mồ côi" từ bạn bè mãi thành quen và chai sạn, nhưng có lúc vẫn tủi hờn mặc cảm trong im lặng, không khỏi thút thít, buồn tủi, chịu không nổi thì vừa chạy… vừa khóc. Cũng từ đó biệt danh thằng Tây lai mít ướt ra đời. Thuở 7 - 8 tuổi, Triều đã lê la đầu đường xó chợ. 13 tuổi đã lận bộ bài sau lưng, đi kiếm tiền. Vừa qua tuổi trưởng thành, Triều phải gác chuyện học hành rồi bị đẩy vào lính, chống lại cha mẹ mình... "Đau lắm".

'Đời, có yêu tôi?', cuốn tự truyện chông chênh số phận của nhà báo Lưu Đình Triều- Ảnh 4.

"Tôi thích một lời ca "Cứ cố vươn lên mà sống…". Số phận mỗi người trong những thời điểm gập ghềnh trắc trở, lại càng cần sự vươn lên", tác giả Lưu Đình Triều tâm sự

GIẢN THANH SƠN

"Qua tự truyện đời mình, ngẫm lại, tôi thấy có những thời điểm trắc trở, gập ghềnh mà nếu tôi chịu an bài thì chắc có lẽ không thể dám ngẩng mặt nhìn đời. Mà nào chỉ riêng tôi, cuộc đời ai cũng có lúc khó khăn, chông chênh nhưng nếu khoanh tay đầu hàng dễ… thất bại, trắng tay lắm. Tôi thích một lời ca "Cứ cố vươn lên mà sống…". Số phận mỗi người trong những thời điểm gập ghềnh trắc trở, lại càng cần sự vươn lên. Bước chuyển đời mình phần lớn là do bản thân mình quyết định", nhà văn - nhà báo Lưu Đình Triều tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.