Đội dân phòng làng biển

11/02/2014 10:32 GMT+7

Người cao tuổi nhất của đội ở tuổi 70, nhỏ tuổi nhất ở tuổi 20. Họ là những nông dân, ngư dân và những người thợ tự tìm đến với nhau làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ sự bình yên cho xóm làng.

Đội dân phòng làng biển

Tuần tra trong đêm khuya - Ảnh: Đ.T

Dân phòng tuổi 70

Một buổi sáng ngày đầu năm Giáp Ngọ, tôi tạt vào quán cà phê có tên “Khát Vọng” nằm ven quốc lộ 49A thuộc xã Vinh Hiền (H.Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế). Ngày đầu năm nên quán lưa thưa khách, nhưng bên ngoài đường thì nườm nượp người đi lễ, hội... Bên trong quán, một người đàn ông có làn da đen sạm, thân hình rắn chắc lặng lẽ nhìn ra bên ngoài quan sát những người qua lại. Tôi thấy lạ bèn bắt chuyện thì mới biết ông từng làm thôn trưởng gần 15 năm qua ở thôn Hiền Vân 1. Ông là Lê Tịnh, 70 tuổi, hiện đang làm Tổ trưởng Tổ dân phòng của thôn. Thôn Hiền Vân 1 nằm ven biển và đầm Cầu Hai. Ở đây có cổ tự Thánh Duyên – nơi được xem là một trong những thắng tích nổi tiếng trong thần kinh thập nhị cảnh (Vân sơn thắng tích). Không chỉ thế, Hiền Vân 1 còn có khu chợ trung tâm của xã, có khu vực bến đò và nhiều “điểm nóng” khác. Ông Tịnh nói, dù đã ở tuổi lẽ ra phải nghỉ ngơi, nhưng muốn nêu gương cho con cháu và nhận được sự tín nhiệm của mọi người nên ông lãnh chức Tổ trưởng Tổ dân phòng. Dù lớn tuổi nhưng người đàn ông này chưa bỏ buổi đi tuần tra nào, dù các thành viên tuổi cháu chắc luôn “ưu tiên” cho ông Tịnh được ngồi “trực chốt”. “Bình thường những ngày cuối tuần di tích quốc gia này cũng đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, những ngày lễ tết nơi đây càng tấp nập hơn nên cần sự đảm bảo an toàn của du khách, trật tự của xóm làng”, ông Tịnh thổ lộ.

“Tay không bắt giặc”

Đội dân phòng Hiền Vân 1 hình thành từ tháng 8.2013 từ lực lượng thuộc tổ tự quản của thôn, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của công an xã Vinh Hiền. Hằng ngày, không quản nắng mưa, các thành viên đi tuần từ đầu đêm cho đến 3 giờ sáng hôm sau, đi từ đầu thôn đến cuối thôn. Hễ nghe ở đâu “rục rịch”, “có chuyện” là họ có mặt kịp thời. “Ở đây người dân buôn bán có, làm nghề nò sáo trên sông đầm có nên cần đề phòng kẻ xấu xuất hiện trộm cắp tài sản vào ban đêm. Nếu làm nghề nò sáo thì ban đêm đàn ông lại hay xuống hồ, để phụ nữ chân yếu tay mềm ở nhà nên nhỡ có việc gì có chúng tôi họ cũng yên tâm”, ông Tịnh nói.

Tiếng là bảo vệ cho sự bình yên của xóm làng, nhưng cái gì các thành viên của đội cũng tự túc. “Trụ sở” làm chốt trực và nghỉ ngơi trong đêm là bưu điện Tư Hiền cũ được họ mượn rồi góp tiền mua một cái giường để nghỉ ngơi. Cách nay không lâu đội vận động bà con mỗi người đóng phí giúp họ 10 ngàn đồng/tháng/hộ để có kinh phí hoạt động và hỗ trợ xăng xe cho các thành viên nhưng có người đóng người không. “Để có thời gian tham gia tuần tra buổi chiều mình tranh thủ xuống hồ (đầm) giúp ba thả lừ, ban đêm lên đi tuần. Canh giấc ngủ cho bà con là trong lòng thấy vui rồi”, thành viên Nguyễn Minh n tâm sự. “Có những vụ việc tụi tui rất lúng túng, không biết xử trí ra răng cả. Giải quyết vụ việc sao cho có lý có tình cũng chưa ai bày vẽ. Tụi tui vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm thôi. Kinh phí cũng rất cần, nhưng cần nhất là chuyên môn, chúng tôi rất mong mỏi được tập huấn để nâng cao nghiệp vụ dân phòng”, ông Tịnh nói.

Đình Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.