Vụ án Trương Mỹ Lan:

Đối đáp kịch tính giữa luật sư và SCB về 440 tài sản bị xác định bằng 0

15/03/2024 16:14 GMT+7

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên tục từ chối trả lời, trước câu hỏi của luật sư về việc nhiều tài sản của Trương Mỹ Lan mà ngân hàng này đang nắm giữ, nhưng lại xác định giá trị bằng 0.

Ngày 15.3, TAND TP.HCM tiếp tục tới phần xét hỏi của các luật sư dành cho các bị cáo và phía bị hại là SCB trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng này.

Tại tòa, SCB cho rằng, theo cáo trạng và kết luận điều tra, tổng số tiền mà SCB bị thiệt hại là hơn 498.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, SCB không đồng ý với số tiền này, mà cho rằng ngân hàng thiệt hại tạm tính đến ngày 5.3 là hơn 760.000 tỉ đồng (nợ gốc 482.000 tỉ đồng, lãi suất/phí hơn 277.000 tỉ đồng).

"Theo trình bày của SCB, ngân hàng không đồng ý xác định số tiền thiệt hại thực tế theo cáo trạng. Vậy kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân (gọi tắt Công ty Hoàng Quân) chưa đảm bảo chính xác tại thời điểm xử lý hay sao?", luật sư Phan Trung Hoài (người bào chữa cho Trương Mỹ Lan) đặt câu hỏi cho SCB. Tuy nhiên, đại diện phía SCB không trả lời.

Xét xử vụ án Trương Mỹ Lan: Đại diện SCB nói 'mục đích cuối cùng là đòi lại tối đa số tiền thiệt hại'

Ngoài ra, luật sư Phan Trung Hoài còn đặt nhiều câu hỏi cho đại diện SCB để làm rõ về việc thẩm định tài sản, cũng như những tài sản mà ngân hàng này đang quản lý của khách hàng có được trừ cả gốc và lãi suất cho khách hàng không… Tuy nhiên, luật sư Hoài liên tục bị SCB từ chối trả lời.

Khi được luật sư Phan Trung Hoài hỏi ý kiến khi SCB đòi bồi thường thiệt hại hơn 760.000 tỉ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng: "Yêu cầu của SCB không hợp lý. Có rất nhiều tài sản, nhưng cách tính toán của SCB không hợp lý và cơ sở nào để SCB xác định số tiền đó. Kính đề nghị HĐXX xem xét lại".

Cho rằng SCB trả lời chưa thỏa đáng những câu hỏi mà luật sư Phan Trung Hoài nêu ra, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (người bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB) tiếp tục đặt câu hỏi cho SCB để làm rõ số tài sản của Trương Mỹ Lan đưa vào để đảm bảo khoản các vay.

Bởi theo luật sư Vinh, cáo trạng xác định có 440/1.166 mã tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá với giá trị sổ sách phân bổ hơn 600.000 tỉ đồng, với lý do các tài sản cổ phần, cổ phiếu, bất động sản… không đủ hồ sơ pháp lý. Chính vì vậy, những tài sản này không được cấn trừ vào số tiền mà Trương Mỹ Lan đã được các đồng phạm giúp sức chiếm đoạt của SCB. Thế nhưng, số tài sản đó lại đang bị SCB nắm giữ và còn yêu cầu được xử lý.

"Những tài sản của SCB cho rằng chưa đảm bảo về pháp lý, nên không yêu cầu thẩm định giá và xác định giá trị bằng 0. Thế nhưng đây lại là tài sản mà SCB đang nắm giữ, vậy ngân hàng quản lý để làm gì? Sao không trả lại cho khách hàng?", luật sư Kim Vinh chất vấn SCB.

"Tôi không trình bày thêm", đại diện SCB đáp.

"Nghĩa là SCB không đồng ý trả lại số tài sản này? Ngân hàng giữ tài sản, khi thẩm định lại có cấn trừ số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại?", luật sư Vinh truy tiếp. Tuy nhiên, đại diện cho SCB vẫn từ chối trả lời.

Xem nhanh 12h ngày 16.3: Bị cáo Trương Mỹ Lan khai gì về mối liên hệ với dự án Tuần Châu?

"Cáo trạng kết luận SCB đã bị chiếm đoạt với số tiền rất lớn, để xảy ra hậu quả như ngày hôm nay, vậy SCB có trách nhiệm như thế nào trong việc này?", luật sư Vinh liên tiếp hỏi.

Đại diện phía bị hại SCB trả lời: "Mục đích cuối cùng của SCB là đòi lại tối đa số tiền mà các bị cáo trong vụ án gây ra thiệt hại. Còn trách nhiệm như thế nào thì HĐXX quyết định".

Trước đó, đầu tháng 3.2024, phía bị hại SCB có văn bản gửi tòa cho rằng ngân hàng này bị thiệt hại tạm tính là hơn 760.000 tỉ đồng. Lý do mà SCB đưa ra, việc sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để khấu trừ là do Cơ quan CSĐT xác định. Kết quả định giá này không đảm bảo tính chính xác về giá trị tài sản được định giá tại thời điểm thanh lý thực tế.

Số thiệt hại hơn 498.000 tỉ đồng chỉ đúng khi giá xử lý tài sản bảo đảm bằng giá do Công ty Hoàng Quân định giá. Việc phân biệt tài sản đảm bảo đủ pháp lý, hoặc chưa đủ pháp lý để định giá cũng do Công ty Hoàng Quân tự đánh giá. Cách phân loại này khác với việc phân loại tài sản đủ pháp lý hoặc không đủ pháp lý để SCB xử lý tài sản.

Trương Mỹ Lan khai gì về mối liên hệ với dự án Tuần Châu?

Hơn nữa, tại kết luận điều tra, ở trang 87, xác định: "Về bản chất, việc đưa tài sản thế chấp vào SCB chỉ là phương thức, thủ đoạn phạm tội. Có nhiều tài sản đảm bảo không có giá trị pháp lý, không đủ điều kiện sử dụng làm tài sản thế chấp, nhưng vẫn được định giá, nâng khống giá trị, đưa vào thế chấp tại SCB làm phương án vay".

Theo SCB, cáo trạng còn xác định, có 684/1.284 khoản vay chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân. Nhiều khoản vay được giải ngân trước, sau đó mới hợp thức hồ sơ vay và tài sản đảm bảo. Có 201/1.284 khoản vay chưa có phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền. Các bị cáo tại SCB đều đã khai nhận chỉ ký thủ tục hợp thức, không thực hiện thẩm định, đánh giá khoản vay theo quy định.

Đặc biệt, phía bị hại SCB khẳng định, trong vụ án không có hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thực hiện. Do đó, giá trị tài sản đảm bảo này sẽ được xác định theo thực tế tại thời điểm xử lý theo quy định của pháp luật.

Phiên tòa kết thúc phần xét hỏi, ngày 19.3, tới phần tranh luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.