Quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập Campuchia, đặc biệt là đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP), lâu nay luôn ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” do những bất đồng khó giải quyết về nhiều vấn đề. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa 2 bên có dấu hiệu gia tăng đột biến và điều đó đã đánh động sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Sức ép tăng cao
Tờ Khmer Times hôm 15.9 đưa tin 39 quốc gia, bao gồm Mỹ và các nước EU, vừa ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình chính trị ở Campuchia. Tuyên bố do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Keith Harper trình bày trước Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 14.9, bắt đầu bằng việc ca ngợi những tiến bộ mà Campuchia đạt được trong thực hiện các cam kết về nhân quyền, đồng thời thừa nhận các biện pháp cải cách hiệu quả của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia trong năm 2013. Tuy nhiên, bản tuyên bố sau đó đã chỉ trích mạnh mẽ cách hành xử của chính phủ Campuchia đối với phe đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang căng thẳng chính trị hiện nay ở Campuchia, vốn đe dọa hoạt động hợp pháp của các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền”, tuyên bố viết.
Tuyên bố đặc biệt đề cập đến vụ ông Kem Ley, một nhà phê bình chính trị nổi tiếng về những phát biểu chống Thủ tướng Hun Sen, bị sát hại hồi đầu tháng 7. Đại sứ Harper kêu gọi chính phủ Campuchia mở cuộc điều tra “đầy đủ và minh bạch” về vụ việc này, đồng thời nỗ lực tiến tới giảm thiểu căng thẳng và xây dựng lòng tin.
|
“Chúng tôi cũng thúc giục chính phủ (Campuchia) cố gắng hết mức nhằm tạo ra một môi trường chính trị, trong đó các đảng đối lập và tổ chức dân sự có thể tự do hoạt động”, tuyên bố nhấn mạnh.
Hạ viện Mỹ trước đó thông qua bản nghị quyết chỉ trích hành vi “quấy rối” bằng pháp lý nhằm vào các thành viên phe đối lập ở Campuchia, đồng thời đưa ra những lời kêu gọi tương tự về việc tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận.
Không nhân nhượng
Campuchia đã phản ứng mạnh về những lời kêu gọi của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Tờ The Phnom Penh Post đưa tin trong phát biểu đáp trả tại cuộc họp ở Geneva, Đại sứ Campuchia tại Liên Hiệp Quốc Ney Samol tuyên bố nước ông “không hoan nghênh” sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ. Ông Keo Remy, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Campuchia, cũng khẳng định nhân quyền được tôn trọng ở nước ông, và rằng Campuchia “không phải là thuộc địa hay nằm dưới quyền cai trị của nước khác”.
Thủ tướng Hun Sen trước đó tuyên bố sẽ không cho phép biểu tình trái pháp luật và đã ra lệnh loại bỏ “bằng mọi giá” những lực lượng “phá hủy trật tự xã hội”, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và hạnh phúc của nhân dân. Tờ The Cambodia Daily ngày 14.9 dẫn lời ông Hun Sen so sánh việc trấn áp biểu tình như giết một con rắn. “Hãy đập con rắn, đập thẳng vào đầu nó trước. Nếu mọi người không tin, hãy thử”, ông Hun Sen viết trên Facebook.
Để chứng minh điều mình nói, ông Hun Sen hồi đầu tuần đã ra lệnh điều hàng chục xe quân sự, bao gồm một số phương tiện thuộc lực lượng cận vệ của ông, cùng nhiều tàu cao tốc trang bị súng máy tuần tra khu vực trụ sở đảng đối lập CNRP, nơi Phó chủ tịch đảng Kem Sokha đang trú ẩn, sau khi CNRP lên kế hoạch tổ chức biểu tình lớn để phản đối các vụ xét xử nhằm vào quan chức đảng này.
Đến hôm 15.9, thêm nhiều tướng lĩnh lên tiếng ủng hộ phản ứng mạnh tay của Thủ tướng Hun Sen. Theo tờ The Phnom Penh Post, Tư lệnh quân khu đặc biệt của quân đội Campuchia, trung tướng Prum Din, tuyên bố người của ông sẽ “loại bỏ tất cả những người muốn gây bất ổn” và sẽ “đối đầu” với cuộc biểu tình của CNRP. Tư lệnh Lữ đoàn 70 tinh nhuệ, trung tướng Mao Sophan; chỉ huy đơn vị pháo binh, trung tướng Nob Rotana; Tư lệnh Sư đoàn can thiệp số 3, trung tướng Srey Doek; Tư lệnh Vùng 5, trung tướng Bun Seng, đều đã đưa ra những tuyên bố ngăn chặn biểu tình “bằng mọi giá”.
Cũng tờ báo trên đưa tin tướng Bun Seng đã theo dõi một cuộc tập trận bắn đạn thật ở tỉnh Battambang ngày 14.9, nhưng không cho biết hoạt động này có liên quan đến việc đối phó kế hoạch tổ chức biểu tình của CNRP hay không.
Trong khi đó, ông Son Chhay, một nghị sĩ thuộc CNRP, cho biết ngày giờ tổ chức các cuộc biểu tình chưa được ấn định, nhưng cảnh báo rằng những người ủng hộ của họ sẽ xuống đường nếu ông Kem Sokha bị bắt giữ. Ông này trước đó đã bị kết án tù vì không trình diện trước tòa để đối mặt với những lời buộc tội khai man và liên quan đến mại dâm. 29 thành viên hoặc người ủng hộ khác của CNRP cũng phải đối mặt với một loạt cáo buộc, trong đó có 14 người đã bị kết tội và lãnh án tù nặng.
|
Đội cận vệ của ông Hun Sen
Theo tờ The Cambodia Daily, lực lượng cận vệ của Thủ tướng Hun Sen được thành lập vào năm 1995 từ thành phần của Lữ đoàn 70 tinh nhuệ và nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà lãnh đạo Campuchia. Tuy nhiên, theo một chỉ thị được ban hành vào năm 2009, lực lượng này đã tách khỏi Lữ đoàn 70 để hoạt động độc lập. Với hơn 3.000 binh sĩ, lực lượng cận vệ được trang bị xe thiết giáp, súng phóng tên lửa và súng máy do Trung Quốc sản xuất. Theo quyết định ký ngày 21.7 nhưng chỉ được công bố đầu tuần này, ông Hun Sen đã cho phép Bộ Quốc phòng Campuchia tuyển thêm 350 binh sĩ để “thay thế những thành viên về hưu” trong lực lượng cận vệ của ông.
|
Bình luận (0)