Trước một liều thuốc thử cực mạnh mang tên U.19 Nhật Bản tại bán kết giải U.19 châu Á vào 23 giờ 15 đêm 27.10, U.19 Việt Nam có thể thử nghiệm lối chơi 'phản công tổng lực' - gegen pressing, như một cách để làm hành trang cho World Cup U.20.
Nhật Bản thích đánh kiểu Samurai
Phải thừa nhận rằng U.19 Nhật Bản đang sở hữu một hàng công bách chiến bách thắng. Bốn trận đấu trôi qua, đội bóng trẻ xứ phù tang nã vào lưới đối thủ tới 10 bàn. Đáng chú ý trong đó, những pha lập công của họ đều được dứt điểm ở vị trí rất gần với khung thành, thậm chí 80% các bàn thắng xuất hiện trong vòng cấm.
Điều đó cho thấy U.19 Nhật Bản ưa thích lối tấn công cận chiến, như một chàng samurai vung kiếm áp sát trực diện đối thủ. Nhưng cũng giống như đường kiếm biến ảo của võ sỹ đạo, cách tấn công của U.19 Nhật Bản cũng vô cùng uyển chuyển và chớp nhoáng.
Nhật Bản thực sự là đối thủ quá 'khủng' AFC
Đoàn quân của HLV Atsushi Uchiyama có thể tung ra những đường chuyền vượt tuyến từ giữa sân hoặc ở hai biên cho trung phong đâm thẳng vào vòng cấm. Hoặc đó cũng có thể triển khai những pha phối hợp nhỏ để từng bước phá vỡ cấu trúc phòng ngự của đối thủ. Điều dễ thấy ở những tình huống tấn công đó, U.19 Nhật Bản không hề hoạt động đơn lẻ. Trái lại, luôn có 1 đến 2 cầu thủ cùng áp sát vào vòng cấm để hỗ trợ cho trung phong cắm tranh chấp bóng hoặc tận dụng luôn cơ hội để thực hiện một cú dứt điểm về phía khung thành đối thủ.
Bóng ngắn, bóng dài U.19 Nhật Bản đều có thể khai thác. Dù không sở hữu một thể hình cao to như các đội bóng Tây Á nhưng sức rướn, khả năng chọn vị trí và phối hợp ăn ý mang đến nhiều lợi thế để các tiền đạo Nhật Bản tự tin không chiến trong khu vực 16m50 của đối thủ. Đặc biệt hơn, đội bóng xứ Phù tang còn sở hữu một vũ khí tấn công lợi hại khác. Đó là những cú sút phạt cố định. 40% số pha lập công đến từ tình huống đá phạt là minh chứng rõ nét cho khả năng tận dụng đá phạt của những Ogawa, Iwasaki hay Doan Ritsu.
Gegen pressing kiểu Juergen Klopp
Xuyên suốt 4 trận đấu đã qua, U.19 Việt Nam tuân thủ kỷ luật lối chơi phòng ngự phản công từ phía chỉ đạo của HLV Hoàng Anh Tuấn. Ấn tượng nhất chính là sơ đồ 4-2-3-1 với cặp tiền vệ trung tâm Tiến Dụng - Trọng Đại bẻ gãy hoàn toàn ý đồ chơi vỗ mặt trung lộ của U.19 Bahrain ở tứ kết.
Tuy nhiên U.19 Nhật Bản là một đối thủ hoàn toàn khác biệt so với 4 đối thủ mà U.19 Việt Nam chạm trán. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà đội bóng xứ phù tang sẽ linh hoạt thay đổi vũ khí nhằm áp sát tốt nhất có thể khung thành của đối phương.
Chính vì vậy, U.19 Việt Nam cũng cần phải linh hoạt thay đổi lối chơi tùy vào tình cảnh của trận đấu. Việc chỉ duy trì một cự ly đội hình thấp như 4 trận trước đó chưa hẳn đã là giải pháp hay khi Nhật Bản rất giỏi trong những tình huống cận chiến trước và trong vòng cấm địa.
Đội bóng áo đỏ sẽ phải chống trả kiên cường khi vấp phải núi cao như Nhật Bản AFC
Điều đó đồng nghĩa U.19 Việt Nam cần chơi gegen pressing tổng lực, tức là phản công tổng lực với liên tục gây sức ép với cầu thủ cầm bóng ở một khoảng cách càng xa khung thành càng tốt. Thực tế ở trận gặp Bahrain, hai tiền vệ trung tâm Tiến Dụng và Trọng Đại đã cùng đồng đội nhiều lần như thế. Nếu Trọng Đại lệch trái để hợp thành tam giác với Văn Hậu và Minh Dĩ thì phía đối diện, gọng kìm của Tiến Dụng - Văn Hào và Việt Anh cũng không cho đối phương nhiều khoảng trống để thực hiện những đường chuyền vào vòng cấm địa.
Gegen pressing đang là xu hướng mà nhiều nhà cầm quân hướng đến. Trong điều kiện tinh thần thoải mái, thể lực cầu thủ ngày càng được tăng lên, U.19 Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến việc hiện đại hóa lối chơi của mình như một hành trang cho FIFA World Cup U.20 vào năm sau.
Tiền đạo Hà Đức Chinh vắng mặt ở bán kết
Chấn sút này không thể thi đấu trận gặp Nhật Bản vì dính hai thẻ vàng ở trận thắng Triều Tiên (Chinh ghi bàn mở tỷ số) ở vòng bảng và trận thắng Bahrain ở tứ kết (Điều lệ giải quy định, một cầu thủ nhận 2 thẻ vàng trong 2 trận khác nhau trước vòng bán kết sẽ phải nghỉ trận đấu sau đó).
Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh,HLV Hoàng Anh Tuấn luôn có những giải pháp hợp lý khi đội không may gặp trục trặc về nhân sự.
Trần Thành (17) có cơ hội ra sân ở bán kết AFC
Ở trận hòa UAE, khi vắng Trọng Đại, Văn Hậu đã có Việt Anh, Văn Hòa trám chỗ. Hay ở trận thắng Bahrain, ông Tuấn đã tung Trần Thành ngay từ đầu (Đức Chinh vào sân hiệp 2) và ghi bàn duy nhất, giúp VN lọt vào bán kết và đi World Cup U.20 năm 2017. Dự kiến, người hùng của đội U.19 Việt Nam sẽ tiếp tục được tín nhiệm ở trận gặp Nhật Bản. Ngoài ra, ông Tuấn còn có một tiền đạo khác không kém chất lượng là Tiến Linh.
U.19 Nhật Bản có cầu thủ gốc Việt?
Báo chí Việt Nam rất quan tâm đến cầu thủ Ritsu Doan - người đã ghi một bàn thắng trong trận thắng Tajikistan 4-0 ở tứ kết U.19 châu Á. Tên cầu thủ này, từ cách viết lẫn cách đọc đều rất giống Việt Nam.
Cầu thủ Ritsu Doan của U.19 Nhật Bản AFC
Tuy nhiên trong phần giới thiệu thành viên, CLB Gamba Osaka (CLB chủ quan của Doan) không nói rõ lai lịch của cầu thủ này. Hiện tại, Doan đang được 2 CLB lớn của Anh và Hà Lan gồm Chelsea và PSV để mắt.
Một số cầu thủ chủ chốt của đội U.19 Việt Nam bị quá tải do phải chiến đấu căng thẳng trong 4 trận đấu đã qua tại giải U.19 châu Á. Lãnh đạo đội đang tìm mọi cách tốt nhất, tích cực nhất để các chàng trai kịp lấy lại phong độ cho trận bán kết.
Bình luận (0)