Truy lùng con “ông chủ”
Khi cơ quan chức năng nhận thông tin về một nhóm người Philippines dùng séc du lịch giả chiếm đoạt gần 100.000 USD của nhiều ngân hàng (NH) tại TP.HCM thì lúc đó bọn chúng cũng đã kịp xuất cảnh về nước. Nhưng từ nhiều nguồn tin cho biết, băng nhóm này sẽ tiếp tục vào VN gây án nên trinh sát Đội 2, Phòng An ninh, Công an TP.HCM đã ém quân ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất trong suốt một thời gian dài. Không uổng công sức bỏ ra, một buổi trưa tháng 2.2002, nghi can Rodovan Rolando Nivachera (54 tuổi, người Philippines) đã nhập cảnh vào VN. Ngay lập tức, nghi can này được mời về trụ sở an ninh làm việc. Với những chứng cứ đầy thuyết phục, đối tượng đã thừa nhận vào VN tổng cộng 8 lần, trong đó có 3 lần vào để nghiên cứu tình hình, phương thức đổi séc du lịch; 2 lần đi công việc riêng và 3 lần trực tiếp đổi séc tại các chi nhánh, phòng giao dịch của NH. Đối tượng này còn khai nhận: đường dây của hắn có 7 người, trong đó 6 người có nhiệm vụ trực tiếp đi đổi séc, 1 người là con “ông chủ”. Các đối tượng đổi tiền không trực tiếp mang séc mà séc do con “ông chủ” mang vào VN và hẹn nhau tại một khách sạn (KS) ở TP.HCM để phân phối. Mỗi lần đổi được tiền, đối tượng mang tiền về giao, con “ông chủ” có nhiệm vụ mang tiền ra khỏi VN. Còn tiền ăn chia, đối tượng đi đổi tiền được hưởng 20% trên tổng số tiền đổi được nhưng số tiền sẽ được chi trả khi đối tượng này đến sân bay ở Philippines.
Cơ quan công an nhận định đây là một đường dây sử dụng séc giả quy mô lớn do ông “trùm” ở nước ngoài điều khiển và Rodovan Rolando Nivachera chỉ là một tên “cửu vạn”. Việc sờ gáy ông “trùm” là điều không thể nhưng con “ông trùm” đã từng vào VN gây án; liệu tên này có thể quay lại gây án hay không? Vậy là các trinh sát vẫn kiên nhẫn bám trụ ở cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
Lục tung các khách sạn
Ngày 3.9.2002, trinh sát nhận được tin con “ông chủ” đã nhập cảnh vào VN với cái tên Ludimir Masangkay (33 tuổi, quốc tịch Philippines). Thói quen của Masangkay khi qua VN chọn KS ở trung tâm TP hoặc gần sân bay; đặc biệt thường xuyên thay đổi KS. Ngay trong đêm đó, kế hoạch kiểm tra hàng ngàn KS được triển khai. Khi trinh sát lục tung các KS các quận: 1, 3, 5, Tân Bình mới phát hiện hắn đang lưu trú ở KS Sài Gòn. Nhưng khi một tổ trinh sát đột kích vào thì hắn vừa rời khỏi KS trước đó khoảng nửa tiếng. Trinh sát bắt đầu lần mò taxi, xe ôm nào chở hắn đi và thu thập được thông tin là hắn yêu cầu chở đến khu vực KS New World rồi xuống trả tiền, đi về hướng đường Lê Anh Xuân. Trinh sát đổ quân xuống khu vực xung quanh KS New World truy lùng nhưng vẫn không ra.
Sau mấy ngày truy tìm, trinh sát đã nghi vấn KS Tân Dương Hoàng là nơi có nhiều khả năng hắn lưu trú, mặc dù danh sách đăng ký tạm trú tạm vắng của KS này đã được kiểm tra rất kỹ lưỡng song vẫn không phát hiện khách nào có tên Masangkay. Cuối cùng, đến 23 giờ 30 ngày 5.9, trinh sát đã yêu cầu KS cung cấp sơ đồ từng phòng và phát hiện có người khách tên Masangkay. Sau khi làm việc với các nhân viên quầy lễ tân, một trong số này đã khai nhận: được Masangkay cho 100 USD đổi lấy việc không ghi vào danh sách đăng ký lưu trú báo với công an... Ngay trong đêm, hàng chục trinh sát trong nhiều vai khác nhau vây quanh KS để truy bắt đối tượng. Đúng 0 giờ 20 ngày 6.9, Masangkay xuất hiện cùng với một đối tượng người Philippines tên là Renato Mendoza (không có hộ chiếu). Bọn chúng vừa bước vào phòng thì bị trinh sát ập vào kiểm tra và phát hiện trong hành lý của Masangkay có 1.200 USD và 80 tờ séc du lịch do United Overseas Bank Ltd phát hành có mệnh giá 500 USD (nhưng thực tế là 50 USD).
Đánh đòn tâm lý
Một năm sau, tình trạng đổi séc giả lại xuất hiện. Một số NH ở Q.1 đã bị một nhóm người nước ngoài đổi séc du lịch giả lừa lấy hàng chục ngàn USD. Lần này, theo mô tả của một số người chứng kiến thì đối tượng là người nước ngoài nhưng không phải người Philippines mà là người Trung Đông. Có lần một người nước ngoài mang tên Ricky đến NH đổi séc, trong lúc nhân viên cầm tờ séc đi kiểm tra thì đối tượng này bỏ đi để lại hộ chiếu. Xác minh thông tin thì đó là hộ chiếu giả. Mọi đầu mối gần như bị cắt đứt.
Thời điểm này, áp lực phá án trở nên căng thẳng. Hầu như các NH ở Q.1 đều được bố trí trinh sát theo dõi. Vào một buổi trưa tháng 2.2003, một người mang tên Miyai Rikuro (quốc tịch Nhật) đến NH ở Q.1 đổi 4 tờ séc du lịch. Thấy nhân viên NH có vẻ nghi ngờ, hắn bỏ ra ngoài định tẩu thoát thì bị trinh sát ở ngoài đón lõng đưa về trụ sở công an. Hắn khai nhận, tại Thái Lan hắn có gặp một người Pakistan đưa cho một xấp tờ séc và hộ chiếu mang tên Miyai Rikuro. Miyai Rikuro đã sử dụng hộ chiếu thật mang tên Masahiro Yasuzawa để đăng lý lưu trú, còn dùng hộ chiếu giả để đi đổi tiền.
Tuy nhiên, Masahiro Yasuzawa cũng chỉ đóng vai trò thứ cấp. Đối tượng người Pakistan là ai thì vẫn là một ẩn số. Sau đó, bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát câu nhử và tạm giữ một người Pakistan tên Muhammad Masood Baig, 51 tuổi, nhưng hắn không thừa nhận việc đưa séc cho đối tượng người Nhật. Cả một tuần, Baig đi đâu trinh sát cũng đều đi theo thuyết phục nhưng Baig vẫn không mở miệng. Trong một lần, Baig đi cầu nguyện ở nhà thờ, trinh sát đánh đòn tâm lý: “Anh hãy trung thực trước vị thánh mà anh tôn thờ…”. Ngồi nghĩ một hồi, Baig đã cùng trinh sát đến trụ sở công an khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Đàm Huy
Bình luận (0)