Đôi điều lạm bàn về việc dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông

27/08/2014 10:20 GMT+7

Thời gian qua, báo chí đăng tải rất nhiều về việc tại sao dạy và học tiếng Anh của ta chưa thành công, tại sao học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam không giao tiếp được bằng tiếng Anh cùng hàng loạt vấn đề có liên quan. Trong vị trí một thầy giáo dạy tiếng Anh lâu năm, tôi xin đề xuất một số ý kiến nhằm giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn.

Thời gian qua, báo chí đăng tải rất nhiều về việc tại sao dạy và học tiếng Anh của ta chưa thành công, tại sao học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam không giao tiếp được bằng tiếng Anh cùng hàng loạt vấn đề có liên quan. Trong vị trí một thầy giáo dạy tiếng Anh lâu năm, tôi xin đề xuất một số ý kiến nhằm giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn.


Học sinh thích thú học tiếng Anh thông qua trò chơi, bài hát, xem phim, đọc truyện,
làm câu đố, thuyết trình, kể chuyện bằng tiếng Anh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

1. Thay giáo trình: Dùng giáo trình do nhà xuất bản bản ngữ biên soạn

Đơn giản vì ngôn ngữ không thể bị tách rời khỏi văn hóa. Việc bộ sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông “mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc” như hiện nay là một sự minh chứng rõ ràng nhất cho việc ngôn ngữ bị tách rời khỏi văn hóa. Một sự lắp ghép gượng ép. Điều này làm tiếng Anh trong sách giáo khoa phổ thông bị sai văn phong trầm trọng. Tiếng Anh trong đó được diễn đạt một cách kỳ quặc, khác thường, thậm chí là sai biệt với văn phong tiếng Anh bản ngữ.

Thay vì cố gắng đưa văn hóa Việt Nam vào sách giáo khoa tiếng Anh lớp 6 - 12, ta hãy dùng một bộ sách tiếng Anh giao tiếp do nhà xuất bản bản ngữ biên soạn, phát hành. Bộ sách được chọn là sách chuyên dạy nghe - nói, dạy tiếng Anh giao tiếp. Học cái gì thì sử dụng được ngay cái đấy vào thực tiễn.

Bộ sách Streamline English của Nhà xuất bản Oxford chẳng hạn. Đây là bộ sách dạy tiếng Anh giao tiếp thuộc loại dễ học, dễ dạy nhất trong tất cả các bộ sách tiếng Anh giao tiếp xưa nay. Từ vựng, phiên âm, cấu trúc, chú thích, bài đàm thoại được lồng ghép nhịp nhàng, thể hiện rõ ràng qua từng bối cảnh giao tiếp thực tế trong văn hóa giao tiếp của chính ngôn ngữ đó. Học đến đâu dùng ngay được đến đó. Học 20 bài quyển 1 là tự giới thiệu bản thân được trên 100 từ. Học 40 bài là đã có đủ vốn tiếng Anh để làm nhân viên bán hàng ở các cửa hàng, siêu thị được rồi. Và chỉ cần 80 bài quyển 1 là người học đã giao tiếp với người nước ngoài một cách thoải mái.

Rõ ràng là trong thực tế, học tiếng Anh đơn giản là để giao tiếp được bằng tiếng Anh. Khi đi xin việc làm, nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng cử viên bằng tiếng Anh. Không trả lời được, không giao tiếp được bằng tiếng Anh là không đạt yêu cầu. Chỉ có vậy. Không nhà tuyển dụng nào kiểm tra xem tiếng Anh của ứng cử viên đó có đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc hay không.
 

 
Trong môn tiếng Anh ở ta, có rất nhiều thứ các em phải học, thầy cô phải dạy hàng ngày mà cả thầy lẫn trò chẳng biết dùng nó vào việc gì ngoài chuyện để làm bài tập, để thi. Đó là hàng đống ngữ pháp chất ngất. Ngữ pháp trong giảng dạy và thi cử đã đẩy học sinh và thầy cô giáo đến chuyện không cần học và dạy hai kỹ năng nghe - nói cho đúng mực.
Vậy thì, sao mục tiêu đào tạo tiếng Anh không thể đơn giản là “học tiếng Anh để giao tiếp tốt bằng tiếng Anh”? Sao không dùng giáo trình của NXB bản ngữ thay cho sách giáo khoa tiếng Anh hiện tại? Nếu ta mạnh dạn thay đổi, học sinh và thầy cô giáo sẽ được giải phóng khỏi sức ì hiện tại. Việc học và dạy tiếng Anh ở nước ta sẽ bước sang trang mới.

2. Thi nghe - nói thay vì thi ngữ pháp, đọc hiểu

Học sinh sẽ chẳng bao giờ học nghe - nói tiếng Anh và giáo viên chẳng bao giờ tập trung dạy nghe - nói trong khi đề thi toàn là ngữ pháp, cấu trúc, từ vựng, đọc hiểu…

Có thể khẳng định rằng format đề thi như thế nào thì giáo viên sẽ dạy như thế ấy và học sinh cũng theo y như thế để học, để thi cho đậu. Tỷ lệ kiểm tra kỹ năng nghe trong đề thi hiện tại là chưa đủ và hoàn toàn không có thi nói. Thay đổi quan trọng này tạo ra mục tiêu thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong trục giáo trình - giảng dạy - thi cử: học tiếng Anh để giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Nếu không thay đổi cách thi cử đối với môn tiếng Anh, ta có thay đổi giáo trình gì cũng vô ích.

3. Thay đổi cách giảng dạy

Con trai tôi học tiếng Anh giao tiếp do tôi dạy (đến bài 74 Streamline English quyển 1). Cháu hiện đang học lớp 7. Tôi chỉ hướng dẫn kỹ cho cháu 20 bài đầu, số bài còn lại cháu tự học. Thi thoảng tôi kiểm tra. Ngoài ra, cháu cũng tự học trong lúc xem phim hoạt hình trên Cartoon NetworkDisney Chanel. Nhờ đó, cháu tự nói tiếng Anh từ nhỏ, mặc dù chẳng biết mình đang nói gì. Nói cách khác, việc xem phim hoạt hình cho cháu khả năng cảm thụ ngôn ngữ Anh. Hiện tại, trình độ nghe - nói của cháu nhìn chung là ổn. Tôi chưa bao giờ dạy tiếng Anh theo sách giáo khoa lớp 6, 7 cho con tôi. Cháu tự học lấy.

Trong môn tiếng Anh ở ta, có rất nhiều thứ các em phải học, thầy cô phải dạy hàng ngày mà cả thầy lẫn trò chẳng biết dùng nó vào việc gì ngoài chuyện để làm bài tập, để thi. Đó là hàng đống ngữ pháp chất ngất. Ngữ pháp trong giảng dạy và thi cử đã đẩy học sinh và thầy cô giáo đến chuyện không cần học và dạy hai kỹ năng nghe - nói cho đúng mực. Mục tiêu vượt qua thi cử vô hình trung làm ngữ pháp lên ngôi, đẩy việc dạy nghe - nói (giao tiếp) xuống hàng thứ yếu.

Ta đang thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên cho bằng được. Nhưng sự thật là việc đậu B1, B2 của các giáo viên không hề dính dáng gì đến năng lực giảng dạy, kỹ năng sư phạm cả. Giáo viên không thể dạy nghe - nói, dạy tiếng Anh giao tiếp đơn giản vì giáo trình và mục tiêu thi cử không cho phép họ dạy như thế. Không phải họ không thể hoặc không biết dạy tiếng Anh giao tiếp, dạy nghe - nói. Họ có hàng đống kỹ năng dạy tiếng Anh giao tiếp khi học ở trường Sư phạm, ở các lớp tập huấn hàng năm. Tuy nhiên, họ bị mắc kẹt giữa giáo trình và đề thi như hiện tại. Rất nhiều anh chị em giáo viên có đầy đủ năng lực chuyên môn, có phương pháp sư phạm giỏi. Chỉ là họ không có đất dụng võ mà thôi.

4. Bồi dưỡng giáo viên: Hãy giúp họ sửa lỗi phát âm, nối âm, ngữ điệu

Nói cách khác, hãy giúp giáo viên nói tiếng Anh chuẩn, phát âm chuẩn. Sự thật không thể chối cãi là rất nhiều giáo viên mắc lỗi phát âm, nói tiếng Anh sai giọng hoàn toàn.

Do sự mắc mứu của giáo trình và mục tiêu thi cử, rất nhiều giáo viên chẳng bao giờ sử dụng tới các kỹ năng nói. Khi giáo viên không có nhu cầu sử dụng, dĩ nhiên, các kỹ năng này mai một, mất dần đi. Và họ kém. Nhưng họ hoàn toàn vô tội trong chuyện này. Chỉ cần một chương trình hướng dẫn online miễn phí về chỉnh giọng, áp dụng trực tiếp trên một nền giáo trình như Streamline English chẳng hạn cho họ. Mỗi đợt hè, ta tổ chức tập huấn trực tiếp một lần. Trong năm học, ta tổ chức đi dự giờ, đánh giá và rút kinh nghiệm cho giáo viên để họ hoàn thiện năng lực. Và sẽ tuyệt vời hơn nếu ta ra bộ tiêu chí, quy định thật thông thoáng, khuyến khích giáo viên dạy sáng tạo, khai phóng tư tưởng cho họ.

Cần nói thêm rằng việc ép giáo viên thi B1, B2 bằng cách “luyện cấp tốc” rồi thi đang diễn ra ở các tỉnh mà báo chí đã phản ảnh vừa qua sẽ không bao giờ mang lại một kết quả mong đợi. Hãy hướng dẫn những chuyện họ thực sự cần như chuyện sửa giọng, chuyện tiến hành các kỹ thuật dạy tiếng Anh giao tiếp sao cho học trò của họ nghe - nói được tiếng Anh, giao tiếp được bằng tiếng Anh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Hãy nâng chất giáo viên bằng những việc làm thực chất, những chuyện giáo viên cần.

Trương Quốc Khanh*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một giáo viên Anh văn tại TP.HCM

>> Đầu tư cả ngàn tỉ đồng vẫn chưa hiệu quả: 'Làm lại' đề án ngoại ngữ như thế nào?
>> Ngân sách bị lãng phí trong Đề án ngoại ngữ
>> Rối bời theo đề án ngoại ngữ quốc gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.