Mô hình làm giàu hiệu quả của người trồng cà phê
Những ngày trung tuần tháng 11, khi mùa cà phê Arabica bắt đầu chín, chúng tôi tìm đến một trang trại cà phê chồn tọa lạc dưới chân đèo Prenn (Lâm Đồng) để tìm hiểu về mô hình sản xuất loại cà phê đẳng cấp, với giá vô cùng đắt đỏ. Chủ trang trại này không trồng nhiều cây cà phê nhưng lại đầu tư trang trại nuôi chồn với số lượng gần 2.000 con để chế biến “cà phề chồn” nhằm nâng cao giá trị của cà phê lên nhiều lần. Anh Khang, nhân viên của trang trại cho biết bình thường đàn chồn được cho ăn chuối, thịt… nhưng vào mùa cà phê chín rộ, mỗi tuần đàn chồn hương, chồn gấu được “thưởng thức” 2 đến 3 lần cà phê. “Chồn hương rất thích ăn hạt cà phê tươi, nhưng chúng chỉ tiêu hóa được phần vỏ, còn hạt chúng thải ra được dùng để chế biến dòng cà phê thượng hạng”, anh Khang chia sẻ.
|
Theo chủ trang trại, do hạt cà phê đã được tiêu hóa ở dạ dày loài chồn với tác động của các enzyme tiêu hóa, cấu trúc protein và a xít trong hạt cà phê cũng bị biến đổi, khiến cho hương vị của cà phê chồn trở nên đặc biệt. Có người miêu tả mùi hương cà phê chồn vừa hấp dẫn lại ngọt ngào, hương vị đậm đà, thoảng vị socola, caramel hay hương hoa trái. Vị đắng của cà phê chồn cũng rất khác biệt.
Kỳ công như sản xuất cà phê chồn
Hiện nay các trang trại cà phê chồn có hẳn quy trình sản xuất riêng biệt, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh. Trước hết, vườn cà phê và hạt cà phê chín luôn đảm bảo sạch, không có thuốc trừ sâu và cũng không dùng phân hóa học. Lý do là loài chồn thường được nuôi thả tự nhiên trong vườn cà phê và chúng rất khó tính, chỉ lựa chọn những trái cà phê chín đỏ, thuần khiết nhất để ăn. Mỗi ngày, một con chồn trưởng thành tiêu thụ được khoảng 20-30g cà phê tươi và tạo ra khoảng 10g cà phê nhân. Thông thường, chồn sẽ ăn quả vào tầm chiều tối và thải ra cà phê nhân vào buổi tối.
Buổi sáng, các nhân viên thu gom hạt cà phê được chồn thải ra và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Chế biến hạt cà phê thông thường đã cầu kỳ, chế biến cà phê chồn càng đòi hỏi sự tinh tế, kỳ công gấp bội. Sau rất nhiều lần lọc rửa để trả lại sự tinh khiết vốn có, hạt cà phê lần lượt trải qua các công đoạn phơi, sấy, ủ, tách vỏ trấu, trước khi sẵn sàng cho công đoạn rang xay. Lúc này, sự tinh tường và kinh nghiệm của người nghệ nhân cà phê chồn cần được tập trung phát huy tối đa, bởi chỉ cần sai lệch một giây trong quá trình rang là cả mẻ hạt cà phê thượng phẩm sẽ không còn giữ được hương vị hoàn hảo.
|
Từ khi làm cà phê chồn, trang trại này đạt được doanh thu rất khả quan nhờ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức cà phê và mua về làm quà.
Một trang trại khác đông khách không kém và khá nổi tiếng tọa lạc ở khu vực P.10 của thành phố Đà Lạt, với diện tích lên đến 2,4 ha. Trang trại này trồng cà phê giống moka, được xem là “cà phê số một thế giới”. Chủ nhân trang trại đã thay đổi kỹ thuật canh tác để tạo sản phẩm cà phê sạch, đồng thời nuôi chồn tại chỗ để sản xuất cà phê chồn chất lượng cao. Giá bán cà phê chồn hạt lên tới 20 triệu đồng/kg. Đến nay, mỗi năm, trang trại thu hoạch khoảng 200-250 kg cà phê chồn, lợi nhuận mang lại vượt trội so với cà phê thông thường.
|
Theo ghi nhận, hầu hết các hộ nuôi chồn sản xuất cà phê đều ý thức về việc trích xuất nguồn gốc hợp pháp của chồn hương, đảm bảo thực hiện đúng Nghị định 06/2019 NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các loài động vật hoang dã.
Trước đây, một số thông tin truyền miệng cho rằng những hộ nuôi chồn sản xuất cà phê thượng hạng thường nuôi nhốt trong lồng chật hẹp, ép chồn ăn cà phê để cho ra nhiều “thành phẩm”. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các chủ trang trại đều quan tâm đến đời sống, thói quen sinh hoạt của loài chồn. Các chuồng trại đều rộng rãi và thoáng mát, thậm chí có khu ngủ ấm, sân phơi nắng để chồn cảm thấy thoải mái nhất. Thậm chí chồn còn được thả ra ngoài vườn, “tự do khám phá” và “tự chọn” những trái cà phê “xịn” nhất để ăn.
“Thức ăn chính của chồn không phải là cà phê. Chồn được ăn chủ yếu là hột vịt lộn, cháo thịt cùng một số loại hoa quả, lá cây ưa thích. Còn trái cà phê thì giống như một loại món ăn vặt khoái khẩu, chồn chỉ ăn khi thấy… vui, không ai ép được”, chủ thương hiệu One Coffee cà phê chồn chia sẻ.
Được biết, hiện cà phê chồn được sản xuất nhiều tại các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum và một số tỉnh miền Trung, góp phần làm phong phú các sản phẩm cà phê Việt Nam.
Bình luận (0)