Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Hồ Trọng Hiến (SN 1980) ở thôn Chánh Đạt, xã Cát Tiến, H.Phù Cát (Bình Định), tiếp tục theo gia đình làm nghề nông. Nhưng ở quê đất chật, người đông, thu nhập sau mùa vụ chỉ đắp đổi qua ngày, không để cái nghèo đeo bám, Hiến lặn lội vào Bình Dương học nghề thợ nề.
|
Tại đây, trong lần đến thăm một lò gốm, thấy các loại chậu gốm mỹ nghệ với đủ kích cỡ, kiểu dáng, hoa văn bắt mắt, Hiến mê mẩn rồi nung nấu ý nguyện về quê khởi nghiệp bằng nghề đúc chậu kiểng mỹ nghệ.
Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu Hiến gặp không ít khó khăn, như thiếu vốn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, sản phẩm làm ra lúc đầu chưa tinh xảo nên tiêu thụ chậm. Nhưng với tính cần cù, ham học hỏi, chịu khó, nghe nơi nào có chậu kiểng đẹp anh tìm đến xem rồi ghi chép, phác họa trong đầu, về nhà mô phỏng sản xuất thử và tự sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới.
Đến nay, qua hơn 9 năm trong nghề, Hiến đã phác thảo và đúc được 40 loại chậu kiểng mỹ nghệ các loại, được thị trường chấp nhận. Từ sản xuất quy mô gia đình, không có tên tuổi, mặt bằng chỉ vài chục mét vuông, đến nay cơ sở của anh đã có tên “cơ sở sản xuất chậu mỹ nghệ Khánh Hiến”, quy mô nhà xưởng lên hơn 2.000m2 và giải quyết được 7 lao động làm việc thường xuyên với mức thu nhập 3 - 4,6 triệu đồng/người/tháng.
Lao động vào làm việc ở cơ sở Khánh Hiến là bộ đội xuất ngũ, thanh niên, nông dân trong thôn không có việc làm. Anh Phạm Thanh, người làm công cho anh Hiến bộc bạch: “Thấy tôi không có việc làm, anh Hiến đến đặt vấn đề. Đến nay tôi đã làm việc được 3 năm, mỗi tháng nhận 3,9 triệu đồng. Làm ở đây gần nhà, chăm sóc được con cái, đồng áng không bỏ bê, công việc cũng không nặng nhọc gì”.
Theo anh Hiến, chậu kiểng mỹ nghệ sản xuất ra trước đây chỉ bỏ mối quanh quẩn cho các đại lý trong huyện và một số huyện lân cận, nhưng từ năm 2005 đến nay sản phẩm của anh đã có mặt khắp nơi trong tỉnh và vươn xa ra ngoài tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận. Mỗi tháng anh xuất bán hai chuyến hàng ra ngoài tỉnh, thu về hàng chục triệu đồng. Trong các đợt triển lãm sinh vật cảnh ở huyện, tỉnh, anh Hiến đều gửi tác phẩm tham gia và được tặng giấy khen.
Từ hai bàn tay trắng, anh Hiến đã tự nỗ lực vươn lên, cất được nhà, sắm đầy đủ các tiện nghi phục vụ gia đình và đang dự tính mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút thêm nhiều lao động địa phương. Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến, nhận xét: “Đây là một tấm gương thanh niên vượt khó của xã. Cơ sở của anh Hiến đã giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương khá hiệu quả, nhất là với bộ đội xuất ngũ. Vì vậy chính quyền địa phương rất ủng hộ và đang khuyến khích anh Hiến mở rộng cơ sở”.
Xuân Thức
Bình luận (0)