Dù đã ở bên kia dốc cuộc đời và sức tàn lực kiệt nhưng vì thương con cháu, nhiều ông bà đã sẵn sàng cưu mang.
Một bà, một cháu hẩm hiu
Tại ngôi nhà Nụ Cười trên đường Huỳnh Tịnh Của, Q.3-TPHCM, vào ngày chủ nhật, nhiều ông bà mái tóc bạc phơ vẫn dẫn theo những đứa cháu nhỏ đến đây sinh hoạt nhóm. Họ chỉ mong các cháu có chỗ vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác.
Trên ghế đá, cụ N. (76 tuổi), bà nội của T., cẩn thận cột lại mái tóc cho cháu gái. Cụ lặng lẽ ngắm T. đang nô đùa. Khi được hỏi về bé T., với hai hàng nước mắt lăn dài trên má, cụ kể khi T. mới 4 tháng tuổi, mẹ qua đời vì HIV nhưng may mắn T. không bị truyền HIV từ mẹ. Một tay cụ lo liệu cho T. Ngày còn nằm nôi, mỗi khi T. khát sữa, cụ cho cháu vân vê “ti” da của mình. Ngày trước, cha của T. là một anh xe ôm hiền lành, chất phác. Cách đây 2 năm, nghe lời người ta đi heroin giao và bị bắt. Cụ N. xót xa tâm sự: “Cha cháu đi tù. Tôi tuổi cao sức yếu, rủi có chuyện gì, không biết ai sẽ chăm sóc con bé đây?”.
|
Cụ chắt chiu từng đồng tiền bán vé số dạo để nuôi cháu. Cụ tâm sự: “Chân tay tôi yếu lắm rồi, đi một chặp là muốn khuỵu chân. Nhiều khi mệt lắm nhưng không dám nghỉ bán”. Thế mà khi cháu được nghỉ học, cụ tranh thủ đưa T. thăm cha cho đỡ nhớ. Dù vất vả nhưng mỗi khi nghe cháu tíu tít kể chuyện, cụ cũng được an ủi ít nhiều. Hỏi đến việc học, T. hồn nhiên khoe: “Từ lớp 1 đến lớp 3, con đều là học sinh giỏi. Nội bán vé số cực lắm, con học giỏi để nội vui. Mấy bữa nay con bị cảm, nội biểu nghỉ ít hôm cho khỏe nhưng con thích đi học hơn ở nhà”.
Giúp việc nuôi cháu thiểu năng
Đã ngoài 60 tuổi nhưng ngày ngày, bà Trinh (ở đường Điện Biên Phủ, P.1, Q.3) vẫn đi giúp việc nhà để có tiền nuôi đứa cháu trai 20 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Từ khi Tuấn được 8 tháng tuổi, ba mẹ Tuấn ly hôn, cha đi lấy vợ còn mẹ đi lấy chồng nên bà ngoại phải đón Tuấn về nuôi. Bà Trinh kể: “Hồi đó, bà cháu tôi khổ lắm, nhiều bữa không có cơm mà ăn, hàng xóm thương tình cho chén gạo nấu cháo. Tôi mua đồ cũ đem ra vỉa hè bán nhưng tiền kiếm được có là bao, may mà biết bập bẹ chút tiếng Anh nên xin giúp việc nhà cho người nước ngoài”.
Thấy cháu mỗi ngày một lớn nhưng gương mặt cứ ngơ ngáo lại chậm nói, bà Trinh tranh thủ đưa cháu đi khám bệnh. Đến đâu, các bác sĩ cũng khẳng định Tuấn bị thiểu năng trí tuệ, bà chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm trường chuyên biệt cho cháu học. Nhiều khi bà còn ngồi học chung với cháu để tiện bề kèm cặp, nhắc nhở. Không chỉ làm bà, ở nhà, bà Trinh vừa phải làm cha, làm mẹ của Tuấn. Bà dạy Tuấn viết những chữ cái đầu tiên, tự vệ sinh cá nhân, tập làm những công việc nhà đơn giản... Vì thế, khi ai hỏi: “Con thương ai nhất”, Tuấn đều ngọng nghịu trả lời: “Bà ngoại”. Bà Trinh ôm cháu vào lòng và vui vẻ nói: “Từ ngày ông nhà tôi mất, có thằng Tuấn bi bô, tôi cũng đỡ buồn. Nó còn biết rửa chén, quét nhà và giúp nhiều chuyện vặt nữa”.
Nuôi cháu giúp con tâm thần
Trên vỉa hè đường Hàn Hải Nguyên, Q.11 - TPHCM, mỗi chiều, người đi đường thường thấy một bà cụ ốm yếu, nước da nhăn nheo, chừng ngoài 80 tuổi, bày lèo tèo vài đôi dép nhựa ra bán. Hỏi đến nhà cửa, bà cụ lắc đầu: “Ở trọ gần đây, nghèo lắm, đâu có nhà”. Bà Hai có bốn người con nhưng ai cũng nghèo khó. Riêng cô con gái út của bà sau khi lập gia đình vài năm đã phát bệnh tâm thần.
Con rể đi phụ hồ, đồng lương không đủ trang trải chi tiêu trong nhà. Lại thêm con gái nửa tỉnh, nửa khùng, một nách lo hai con nhỏ 4 tuổi và 1 tuổi, nên bà cụ lặng lẽ ra vỉa hè bán dép. Mỗi đôi dép nhựa, bà kiếm được 4.000-5.000 đồng tiền lời, nhưng ngồi cả buổi chiều, bà cũng chỉ bán được 3-4 đôi. Những khi căn bệnh tâm thần của con gái tái phát, mọi việc chăm sóc cháu, bà Hai đảm nhận hết. Bà móm mém kể: “Thằng nhỏ quậy lắm, đút cháo mà đứng một chỗ nó không chịu ăn đâu. Nhiều khi đau cái chân quá nhưng phải ráng theo nó”. Tuy cực là vậy nhưng trong ánh mắt bà vẫn sáng lên một niềm vui khó tả.
Vậy đó, với chút sức khỏe cuối đời, các cụ vẫn dành hết cho con cháu. Mong sao cuộc sống của họ luôn được bình an...
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)