Sông suối khô cạn, đất bị bỏ hoang
Hàng chục ngàn hộ nông dân tại tỉnh Đắk Nông đang đối mặt với đỉnh hạn khốc liệt. Tại hồ thủy lợi Đắk Ken (xã Đắk Lao, H.Đắk Mil), nguồn cung nước cho gần 1.000 ha cà phê trong vùng, từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, ngày nào cũng có hàng chục máy bơm cùng hút nước tưới cà phê. Ông Lê Văn Dần, nông dân ở thôn 9, xã Đắk Lao, nói: “Tôi mới tưới xong đợt 3 cho 2 ha cà phê nhà mình mà hồ thủy lợi đã cạn đi nhiều. Ai cũng đổ xô tưới thế này chắc vài hôm nữa không còn nước tưới cho những đợt sau”.
|
Ở ven sông Krông Nô (H.Krông Nô, Đắk Nông), nhiều đồng lúa khô nẻ dưới ánh nắng gay gắt. Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’Đir (H.Krông Nô), cho biết gần 60 ha lúa và hoa màu ở xã này có nguy cơ mất trắng do thiếu nước, hơn 100 ha đất nông nghiệp phải bị bỏ hoang vụ này. Trong khi đó, mực nước sông Krông Nô hạ thấp so với mọi năm khiến hệ thống bơm không thể hoạt động. Theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Nông, do đầu tháng 10 năm ngoái đã dứt mưa, dự báo đầu tháng 5 tới mới có mưa nên mùa khô này sẽ kéo dài.
|
Tại Đắk Lắk, nông dân nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp cũng "đứng ngồi không yên" do mực nước ngầm giảm nhanh, sông suối khô cạn. Ở các huyện Krông Búk, Krông Năng, nhiều hộ phải nạo vét các giếng đào để tưới cầm cự cho cà phê, tiêu. Ông Phạm Văn Lợi (ở P.Đoàn Kết, TX.Buôn Hồ) cho biết ông lấy nước từ 3 giếng khoan để tưới 4 ha cà phê của gia đình. “Hiện tôi đang tưới thì mực nước giếng tụt giảm, mỗi lần bơm được khoảng 2 giờ là hết nước, phải chờ nước dâng lên lại mới tưới tiếp”, ông Lợi cho biết.
tin liên quan
Hạn hán đe dọa sản xuất ở Gia LaiĐoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa có chuyến kiểm tra phòng chống hạn hán và đảm bảo an toàn hồ đập, thủy lợi tại tỉnh Gia Lai. Gia Lai hiện có 344 công trình thủy lợi kiên cố, năng lực thiết kế tưới gần 55.000 ha lúa, rau màu và cây công nghiệp. Song do nắng nóng kéo dài, không mưa nên hơn 1.200 ha cây trồng ở Gia Lai có khả năng bị thiệt hại nặng dù chỉ mới bắt đầu mùa khô.
"Đứng ngồi không yên" vì mặn
Trong khi đó, người dân miền Tây cũng đang lâm cảnh "đứng ngồi không yên" vì mặn xâm nhập.
Ngày 2.3, ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Ba Tri (Bến Tre), cho biết độ mặn đo được tại các kênh nội đồng trên địa bàn huyện đã tăng nhanh trong tuần qua, hiện dao động từ 1 - 1,5‰. Nếu độ mặn dừng lại ở mức này thì 11.000 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ bông bị ảnh hưởng nhẹ đến năng suất, nhưng nếu tăng lên khoảng 2‰ thì vụ lúa này sẽ có nguy cơ mất trắng.
|
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4‰ trên sông Cửa Đại đã xâm nhập kênh nội đồng khoảng 40 km tính từ khu vực cửa sông chính là Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên (khoảng 70 km là bao trùm cả tỉnh Bến Tre). Độ mặn 1‰ đã xâm nhập vào kênh nội đồng đến hơn 50 km. Cường độ và diễn biến về xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 nghiêm trọng và phức tạp hơn nhiều so với đỉnh mặn nhiều năm qua.
|
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch với các giải pháp cụ thể để các địa phương, người dân chủ động ứng phó bảo vệ mùa màng, tạm trữ nước ngọt sinh hoạt, cho gia súc uống. Tuy nhiên, điều kiện hạ tầng ngăn mặn của tỉnh chưa đảm bảo nên trường hợp xảy ra thiên tai xâm nhập mặn thì hậu quả vẫn rất khó lường.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn sẽ đe dọa vụ lúa đông xuân với tổng diện tích hơn 254.000 ha. Tại An Giang, nước mặn có khả năng đi sâu vào các xã giáp với vùng nước mặn của tỉnh Kiên Giang. Trong khi đó, các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của khô hạn tập trung các xã vùng cao của Bảy Núi.
Tại Đồng Tháp, theo kết quả quan trắc của Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, nguồn nước trên sông Tiền và sông Hậu ở những điểm giáp ranh với tỉnh Vĩnh Long đã bị nhiễm mặn. Điều bất thường là một số kênh rạch nằm gần đầu nguồn sông Tiền thuộc H.Tam Nông, độ mặn cao hơn cả độ mặn ở khu vực cuối nguồn sông Tiền và sông Hậu của tỉnh Đồng Tháp. Anh Huỳnh Văn Thắng (ngụ xã Phong Hòa, H.Lai Vung) cho biết: “Tôi làm được mấy công rẫy, nghe nói xâm nhập mặn trên sông Hậu đã về đến địa phương nên lo lắm. Từ nào giờ vùng này đâu có bị nhiễm mặn”.
Bơm dã chiến, điều tiết nước từ hồ thủy điện
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Khanh, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT), cho biết hạn hán đang xảy ra ở các tỉnh Tây nguyên, qua khảo sát của Tổng cục Thủy lợi thì nặng nhất tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Nhiều hồ thủy lợi đã dưới mực nước chết không được phép sử dụng, nhưng Tổng cục Thủy lợi đã phối hợp và hướng dẫn các địa phương lập các trạm bơm dã chiến, sử dụng số nước này để tưới tiêu cho cây trồng. “Tổng cục Thủy lợi đang tổng hợp tình hình các địa phương có hạn hán và sẽ có ngay trong đầu tuần tới để tính toán giải pháp tổng thể điều tiết nước từ các hồ thủy lợi dung tích lớn, hồ thủy điện để chống hạn”, ông Khanh nói.
Còn tại ĐBSCL, ông Khanh cho rằng xâm nhập mặn có cao hơn so với năm 2017 - 2018 nhưng chưa đến mức nghiêm trọng như hồi năm 2016. Rút kinh nghiệm từ các mùa vụ nước, vụ lúa đông xuân năm nay gieo cấy trước thời vụ 10 ngày nên xâm nhập mặn hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến diện tích trồng lúa ở khu vực này.
P.Hậu
|
Người dân Đà Nẵng uống nước lợ suốt 1 tháng qua
Chiều 2.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), cho biết đúng 1 tháng qua, tại địa bàn xảy ra tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ khiến nguồn nước sinh hoạt có vị lợ.
Ông Trần Văn Trường, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), cho biết hiện nay tình hình nguồn nước nhiễm mặn, xâm nhập mặn đã tiến sâu vào các sông đến địa bàn H.Hòa Vang, đây là trường hợp chưa từng thấy vào đầu mùa xuân trong mấy mươi năm qua.
Đối phó tình trạng nhiễm mặn, TP.Đà Nẵng đã đề nghị tỉnh Quảng Nam cho đắp đập tạm ở sông Quảng Huế để nước thượng nguồn chảy về sông Yên cung cấp cho sông Cầu Đỏ, nguồn nước phục vụ cho gần 2 triệu người dân Đà Nẵng.
Hoàng Sơn - Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)