Đối mặt với ốc bươu vàng

19/04/2011 10:32 GMT+7

Lúa của vụ hè thu đang trong giai đoạn sinh trưởng đúng lúc ốc bươu vàng nở rộ.

Theo nhiều bà con nông dân, năm nay số lượng ốc bươu vàng quá nhiều và đang phá hoại nặng nề. Bên cạnh mối lo về chi phí đầu vào tăng cao, bà con nông dân lại phải đối mặt với sự tàn phá của loại động vật có sức ăn khủng khiếp này.

Ốc bươu vàng đỏ ruộng

Khi thời tiết ấm lên cũng là lúc ốc bươu vàng sinh sản mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên thì trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trứng ốc bươu vàng đang... đỏ ruộng. Khắp các bờ ruộng, vạt cỏ, trên những cây cọc... đâu đâu cũng chịt chạt ốc bươu vàng. Tốc độ đẻ trứng của ốc bươu vàng nhanh bao nhiêu thì tốc độ nở con, tốc độ sinh trưởng và tàn phá cũng nhanh bấy nhiêu. Theo các chuyên gia nông học thì trong những năm gần đây, ốc bươu vàng đã phá hoại hàng trăm nghìn hécta lúa non trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước; với tốc độ trung bình mỗi năm, ốc bươu vàng “ăn” hết hơn 200.000ha lúa.

Chỉ cho chúng tôi đám lúa non trên ruộng nhà mình, chị Phí Thị Tân (nông dân huyện Thạch Thất, Hà Nội) than thở: “Nhà tôi cấy có 4 sào mà giờ ốc đã cắn hết 3 sào rồi. Hôm trước vừa vớt hết thì hôm sau nó lại đẻ trứng, lại cắn lúa, không thể nào mà hết được”. Không chỉ có ruộng lúa, mà cả khoảnh đất trồng rau muống của nhà chị Tân cũng bị ốc bươu vàng cắn nham nhở. Còn tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình..., nhiều nông dân cấy đi, cấy lại nhiều lần nhưng cứ cấy đến đâu, chỉ 2 - 3 tuần sau là bị ốc bươu vàng cắn phá tới đó.

Có nguồn gốc từ Nam Mỹ và du nhập vào Việt Nam từ năm 1985, hiện ốc bươu vàng vẫn là loài động vật gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp nước ta. ốc bươu vàng sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi. V.T
Sự tàn phá của ốc bươu vàng cũng rất khốc liệt. Đặc tính ốc bươu vàng là đặc biệt thích ăn lá non và lá bánh tẻ. Lúa non bị ốc ăn là chết ngay mà không thể hồi phục được, vì khi cắn ngang thân cây lúa, loài ốc này còn tiết ra loại chất nhờn bám vào vết cắn làm cho cây lúa không thể tiếp tục sinh trưởng được. Theo ghi nhận ban đầu thì hầu hết các tỉnh miền Bắc đều đang phải đối mặt với nạn ốc bươu vàng tấn công.

Sống chung với… hoạ ốc bươu vàng

Trên thực tế nhiều năm nay, người nông dân đã phải chấp nhận sống chung với ốc bươu vàng như một loại tai họa. Số đông nông dân cho biết nếu như trước đây, người nông dân chỉ phải chi phí sức người, sức của cho cày cấy, làm cỏ, bón phân... thì nay chi phí này tăng rất nhiều vì phải ra sức diệt ốc bươu vàng theo kiểu thủ công. Thường là trước khi vào vụ, nhằm diệt trừ ốc bươu vàng, nhiều địa phương đã phát động chiến dịch diệt ốc và trứng ốc bươu vàng.

Ông Vũ Duy Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải (Thạch Thất) - cho biết, theo sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp, xã đã phát động chiến dịch diệt ốc bươu vàng được 3 năm (từ 2008 đến 2011) vào cả ở các vụ làm lúa làm màu. Năm 2010, toàn xã đã thu mua được 40 tấn ốc bươu vàng và 2 tấn trứng ốc trên tổng diện tích 297ha trồng lúa và hoa màu.

Tuy nhiên, theo số đông nông dân thì diệt không xuể vì tốc độ sinh sản của loại ốc này quá nhanh và diện quá rộng. Mặc dù đã có rất nhiều đợt ra quân diệt trừ ốc bươu vàng, song người nông dân chỉ diệt trừ bằng cách rất thủ công là bắt hoặc vớt ốc và trứng ốc rồi đem tiêu huỷ, nên không thể trừ tận gốc loại động vật này.

Bên cạnh đó, việc bắt và diệt ốc bươu vàng cũng không diễn ra thường xuyên. Bà con nông dân thường chỉ khi vào vụ thì mới xuống đồng bắt ốc; còn trong vụ thì “ruộng nhà ai, nhà ấy tự bắt” nên không thể xử lý triệt để.

Chính vì thế mà mỗi vụ lúa, bên cạnh chi phí thông thường, nông dân lại bỏ thêm khoản tiền không nhỏ để mua thuốc Baycide 70WP (Niclosamide 70%) hoặc chế phẩm do Viện Bảo vệ thực vật sản xuất để diệt ốc bươu vàng. Với những loại thuốc và chế phẩm này, mỗi hécta người nông dân lại mất thêm trên dưới 200.000đ, chưa kể chi phí nhân lực. Nhiều nông dân than thở và chuyển đến các nhà khoa học câu hỏi lớn: Chẳng biết người nông dân và nền sản xuất nông nghiệp sẽ phải sống chung với tai họa ốc bươu vàng cho đến bao giờ?

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.