Đua nhau cải tiến
7 giờ 30 sáng, tại khoa Khám bệnh BV Bạch Mai, dòng người xếp hàng chờ nhập tên, lấy phiếu khám đã rất dài. Nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh đã có mặt từ trước đó cả tiếng đồng hồ.
Trong vai người đi khám bệnh, chúng tôi được một nhân viên trực tại bàn hướng dẫn cặn kẽ: "Sau khi nhập tên tại bộ phận tiếp đón, sẽ được phân vào các phòng khám chuyên khoa. Các trường hợp khám thông thường, nếu có chỉ định lấy máu, nước tiểu xét nghiệm, kết quả được trả ngay trong ngày và do các nhân viên y tế chuyển lên phòng khám ban đầu của bệnh nhân. Nếu kịp lấy mẫu xét nghiệm trước 9 giờ, kết quả sẽ có ngay trong buổi sáng".
Một bệnh nhân đến từ Hải Dương cho hay: "Tôi đã khám ở đây từ vài năm nay, thấy việc tiếp đón ở phòng khám cải tiến hơn trước. Xếp hàng lần lượt, chứ không còn lo bị chen ngang". Tại các phòng khám chuyên khoa, bệnh nhân được phát số thứ tự và chờ đợi lần lượt. Người con của bác Phạm Thị M. (Hà Nội), đưa mẹ đi khám bệnh thận, nói: "Khi đưa mẹ tái khám, vì kết quả xét nghiệm cho biết sức khỏe mẹ tôi rất yếu, nhân viên phòng khám chuyên khoa đã phát số ưu tiên để mẹ tôi bớt thời gian chờ đợi. Hai mẹ con tôi rất bất ngờ và cảm động".
Tại BV Nội tiết, việc trả kết quả xét nghiệm qua thư trong trường hợp bệnh nhân không cấp cứu cũng được hoan nghênh. Tại BV Thanh Nhàn, hầu như không còn cảnh người dân phải chạy ngược, chạy xuôi lo làm các thủ tục hành chính như giấy chuyển viện, chuyển tuyến... Chính nhân viên y tế sẽ giúp họ hoàn thành các thủ tục này.
Ngoài ra, BV này cũng áp dụng quy trình nhân viên y tế chủ động trả kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân sau 15 - 60 phút, thay vì bệnh nhân phải tự đi lấy như trước đây. Theo ông Đặng Văn Chính, Giám đốc BV Thanh Nhàn: “Tuy mỗi ngày BV tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân nhưng việc khám bệnh đều được giải quyết ngay trong ngày”. Cũng tại BV Thanh Nhàn, hình thức khám chữa bệnh ngoại trú cũng đã được thực hiện hiệu quả. Bệnh viện đã quản lý điều trị ngoại trú gần 7.400 bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, basedow, tư vấn hen, kiểm soát tăng huyết áp...
Còn ông Nghiêm Hữu Thành - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu T.Ư (Hà Nội) cho biết về cách làm của đơn vị mình: "Nếu bác sĩ, điều dưỡng được nhiều lời khen của người bệnh, sẽ được khen thưởng". Theo Giám đốc Thành, vì cách đánh giá này mà 2 đường dây nóng của bệnh viện gần đây đã "nguội" vì ít khi nhận phàn nàn của bệnh nhân.
Cũng theo ông Thành, từ năm 2009, phiếu lấy ý kiến bệnh nhân góp ý cho BV, về thái độ phục vụ của y, bác sĩ, điều dưỡng viên... sẽ được tiến hành thường xuyên trên toàn BV. Việc kê đơn thuốc của bác sĩ cũng được giám sát chặt chẽ mà nói như ông Thành, là đã khắc phục đáng kể tình trạng đơn kê theo "chỉ định" của trình dược viên.
Theo chân nhóm các bác sĩ, điều dưỡng BV Phụ sản T.Ư, chúng tôi đi bộ trên một quãng đường khá dài, đến một gia đình nằm sâu trong ngõ Ba Đình - đây là trường hợp một bệnh nhân sau mổ. Việc mở rộng dịch vụ ngoại viện nhằm giảm tải, giảm số ngày lưu viện đã được BV Phụ sản T.Ư áp dụng khá thành công, được khách hàng - bệnh nhân đón nhận. Sau chưa đầy một năm triển khai, số yêu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà đã lên đến 35-40 ca/ngày, cao điểm lên hơn 50 ca. Số xe tham gia phục vụ cũng tăng từ 1 lên 4 xe. Một bà mẹ ở Hoàng Mai bày tỏ: "Cách làm này cần được phát huy, vì rất thuận lợi cho gia đình".
Hiện các dịch vụ mà BV Phụ sản T.Ư nhận cung cấp tại gia đình khá phong phú: chăm sóc bà mẹ sau sinh, sau mổ đẻ (thay băng, cắt chỉ, tiêm thuốc...); chăm sóc sức khỏe sau mổ phụ khoa; chăm sóc sơ sinh (tắm cho em bé, làm rốn); khám thai theo dõi huyết áp, đường huyết, lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm... Việc này không chỉ góp phần giảm tải ở bệnh viện mà còn phù hợp với xu hướng chuyên môn hiện nay: sớm trả người bệnh về với gia đình, với cuộc sống hằng ngày. Với dịch vụ này, sản phụ hoặc bệnh nhân sau mổ có thể giảm trung bình 1/2 -1/3 thời gian lưu viện.
Bác sĩ cần bệnh nhân
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các bệnh viện công đã huy động các nguồn vốn từ xã hội hóa được khoảng 3.000 tỉ đồng. Trong đó, các bệnh viện trực thuộc Bộ là những đơn vị thu hút đầu tư mạnh với khoảng 500 tỉ đồng: BV K 85 tỉ, BV Đa khoa T.Ư Huế 43 tỉ, BV Chợ Rẫy TP.HCM 114 tỉ. Công tác xã hội hóa trong thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo các BV về trang thiết bị và kết quả là người bệnh được sử dụng dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
“Đầu tư đồng bộ” được BV Bạch Mai lựa chọn đã đem lại hiệu quả. Tại khoa Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai, một hệ thống thiết bị chẩn đoán và điều trị ung thư hiện đại đã được đưa vào hoạt động. “Việc đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ sẽ đem đến hiệu quả tốt nhất trong chẩn đoán và điều trị” - ông Mai Trọng Khoa, Trưởng khoa Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai nói.
Tại BV này, nhiều kỹ thuật cao đã được thực hiện: chẩn đoán hình ảnh, chụp CT 64 dãy, máy cộng hưởng từ MRI, các thiết bị hiện đại trong chẩn đoán điều trị bệnh tim mạch... Không chỉ có máy móc, thiết bị, một đội ngũ các chuyên gia có chuyên môn giỏi cũng chính là thế mạnh của bệnh viện. Theo ông Khoa, việc nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị các cơ sở y tế trong nước đã giúp người bệnh được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại. Tại BV Bạch Mai và BV K, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư, sau khi theo đuổi điều trị tại nước ngoài đã trở về điều trị trong nước.
Hướng dẫn đăng ký dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà |
Đáng lưu ý, việc duy trì chất lượng dịch vụ bằng hình thức tự giám sát đã được một số BV quan tâm. Ông Bùi Thành Chi, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho rằng: “Chính BV phải chủ động kiểm soát chất lượng các dịch vụ mà mình cung cấp đến người bệnh. Việc thu phí phải tương xứng với chất lượng của dịch vụ đó. Vì vậy, BV Bạch Mai đã thành lập Hội đồng giám sát chất lượng dịch vụ. Việc giám sát này đóng vai trò quan trọng, bởi chất lượng dịch vụ gắn liền với sự tin tưởng của người dân. Sự tin tưởng này là sự tồn tại của bệnh viện”.
TS Nguyễn Văn Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Việt - Đức đưa ra quan điểm mới: “Bác sĩ cần người bệnh chứ không phải người bệnh cần bác sĩ”. Tại khoa Cột sống mà TS Thạch là trưởng khoa, quan điểm này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của cán bộ y tế: bố trí tiếp đón, hướng dẫn chu đáo; giảm thời gian đi lại, chờ đợi cho người bệnh bằng việc tổ chức các quy trình khám, chỉ định điều trị hợp lý. “Hầu hết bệnh nhân và người nhà hài lòng khi đến với chúng tôi, thể hiện bằng các phiếu góp ý", ông Thạch khẳng định.
Theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), vẫn còn một số khó khăn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: "Tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép của các BV tuyến trên đã diễn ra nhiều năm mặc dù các BV đã nỗ lực kiểm soát". Ông Kính nói rằng, nếu số lượng người bệnh vượt tuyến vẫn tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ gây khó khăn cho quyết tâm giảm nằm ghép. Thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề ở tuyến dưới; mất công bằng trong thu nhập dẫn đến chuyển dịch cán bộ từ nông thôn ra thành thị, tuyến dưới lên tuyến trên, từ BV thu nhập thấp sang BV có thu nhập cao... là những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng điều trị đồng đều ở các tuyến. "Sẽ phải ban hành tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn BV và tiến tới thẩm định công nhận chất lượng BV", ông Kính khẳng định. |
Nam Sơn - Minh Ngọc
Bình luận (0)