|
Chưa thấy việc bồi dưỡng giáo viên có gì mới !
GS Trần Đình Sử, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Tôi chưa thấy đổi mới lần này có gì khác so với chương trình hiện hành. Chương trình hiện hành bị phê phán rất nhiều nhưng không phải lỗi của chính chương trình ấy mà lỗi của người thực hiện nó. Cái gì sẽ đảm bảo cách làm hiện nay là thành công, nếu không đổi mới cách làm thì một bộ hay nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) cũng thế mà thôi”. GS Sử cảnh báo: “Cách làm cũ thì khó cho ra kết quả mới được”.
Theo GS Sử, nguyên nhân chính khiến hiệu quả của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không được như mong muốn là do đã coi nhẹ tầm quan trọng về phương pháp giảng dạy của giáo viên. Lần này cũng chưa thấy việc bồi dưỡng giáo viên có gì mới cả. “Một điểm mới của đề án là dạy học tích hợp và phân hóa. Thế nhưng, nếu không đào tạo giáo viên dạy tích hợp ở các trường sư phạm thì rất vô lý. Tôi không hiểu dạy tích hợp như thế nào khi chưa có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp”, GS Sử nêu rõ.
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục VN, cũng chỉ ra sự chậm trễ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong việc đáp ứng chương trình - SGK mới có hiện tượng các trường sư phạm “chạy theo” trường phổ thông trong khi lý ra phải đi trước một vài bước. Đây là khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng xem ra chưa được khắc phục mấy trong việc chuẩn bị cho lần thay đổi chương trình - SGK lần này.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lo lắng: “Các trường sư phạm cứ nằm im hết thì không hiểu chúng ta thực hiện chương trình - SGK mới như thế nào?”.
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là 2 yếu tố cơ bản cùng với chương trình - SGK cấu thành chất lượng giáo dục. Do đó, để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông thành công cần bổ sung thêm 2 nhiệm vụ: phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp. Với tư cách là cơ quan thẩm tra dự thảo đề án, Ủy ban đề nghị xây dựng các nhiệm vụ này thành các đề án riêng và triển khai sớm, đồng bộ với Đề án đổi mới chương trình - SGK.
Nhiều từ ngữ khó hiểu
Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình - SGK phổ thông (ngày 27.9) vừa qua, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định: “Dự thảo dùng nhiều từ ngữ quá mạnh và khó hiểu. Đối với học sinh phổ thông mà đặt ra những yêu cầu về “phẩm chất”, “năng lực” như đối với cán bộ, đảng viên. Tôi không hiểu phẩm chất, năng lực mà yêu cầu đặt ra với các cháu học sinh là như thế nào, có quá cao không?”.
Đây cũng là điều băn khoăn của ngay các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Theo dự thảo đề án, một trong những đặc điểm quan trọng nhất của chương trình mới là “chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, đảm bảo hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp”. GS Nguyễn Minh Thuyết phản biện: Chương trình giáo dục nào cũng phải xác định trang bị cho người học những kiến thức gì, hình thành và phát triển ở họ những kỹ năng và thái độ như thế nào. Liệu kiến thức, kỹ năng và thái độ có phải là những yếu tố cấu thành năng lực, phẩm chất không? Hay năng lực, phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới không dựa trên những yếu tố đó?
GS Trần Đình Sử cũng cho rằng cái mới nhất trong nội dung đề án lần này là chuyển trọng tâm sang đào tạo năng lực cho người học. Tuy nhiên, lại không đưa ra được chuẩn về phẩm chất và năng lực là thế nào. “Nếu không chắc về phẩm chất và năng lực thì kiến thức sẽ bị thả nổi. Điều này rất nguy hiểm”, GS Sử nói.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Khắc Phi cho biết đổi mới theo cách tiếp cận năng lực là hoàn toàn chính xác nhưng nếu đối lập một cách tuyệt đối giữa kiến thức và năng lực là cực đoan, không thỏa đáng. Không có kiến thức thì không có kỹ năng nào hết, trừ lối mày mò thực dụng, đơn giản… “Tôi đề nghị, trong lúc nhấn mạnh, thậm chí rất mạnh vị trí của năng lực cũng được, những nhà xác định mục tiêu đừng bao giờ quên mối quan hệ giữa “kiến thức và năng lực”, GS Phi nhắc.
Ý kiến: Vừa biên soạn vừa thẩm định, có khách quan ? “Nếu Bộ vừa biên soạn lại vừa thẩm định SGK thì tôi e rằng tính khách quan liệu có đảm bảo hay không? Dù Bộ khẳng định việc thẩm định là độc lập nhưng tôi vẫn lo ngại về tình trạng duy ý chí, không khách quan. Tôi đề nghị vẫn nên xin ý kiến Quốc hội cả hai phương án: một là Bộ vừa biên soạn vừa thẩm định và ban hành SGK; hai là Bộ chỉ thẩm định và ban hành thôi, còn khâu biên soạn để các tổ chức, cá nhân trong xã hội làm”. Nguyễn Hạnh Phúc Nước ngoài có được phép biên soạn SGK cho VN ? “Các nhà xuất bản nước ngoài có được phép biên soạn SGK cho VN hay không? Các cá nhân người VN có được phép hợp tác với tổ chức hay cá nhân nước ngoài đầu tư vào viết SGK ở VN không? Một tổ chức hay một cá nhân có thể viết nhiều bộ sách của một môn học không? Các tỉnh có được phép thành lập hội đồng thẩm định sách có sự giám sát và kiểm tra của Bộ để sử dụng cho địa phương mình hay tất cả sách đều phải thẩm định bởi những hội đồng thẩm định do Bộ thành lập và do bộ trưởng phê duyệt?”. GS Hoàng Văn Vân Có nảy sinh cơ chế xin - cho ? “Tất cả các SGK phải được Bộ thẩm định, phê duyệt thì liệu có nảy sinh cơ chế xin - cho hay không?”. Huỳnh Ngọc Sơn |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)