Đổi mới giáo dục đại học: Sẽ mở rộng liên thông giữa các văn bằng

31/05/2005 22:19 GMT+7

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa trình Chính phủ đề án đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam (giai đoạn 2006-2020) trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của người học. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học, Sau đại học xung quanh vấn đề này.

* Thưa bà, được biết đề án đổi mới GDĐH ở Việt Nam sẽ tập trung vào cải cách cơ cấu, trình độ của hệ thống GDĐH. Việc cải cách này có ảnh hưởng gì đến người học?

7 nội dung của đề án đổi mới GDĐH Việt Nam gồm: đổi mới cơ cấu trình độ và hệ thống cơ sở GDĐH; đổi mới quản lý GDĐH; cải tiến chương trình và quy trình đào tạo; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai của các trường ĐH; quản lý, đầu tư chính sách tài chính cho GDĐH; xây dựng chiến lược hội nhập quốc tế cho GDĐH Việt Nam.

- Một trong những nội dung mà đề án đổi mới GDĐH Việt Nam (giai đoạn 2006-2020) đề cập là việc đổi mới cơ cấu trình độ và hệ thống cơ sở GDĐH. Theo đó sẽ chuyển đào tạo đại học theo hai hướng: hướng nghiên cứu - phát triển theo mô hình cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ tương ứng với thời gian đào tạo là 4-2-3 và hướng thứ hai là hướng thực hành ứng dụng (nghề nghiệp) trong đó sẽ chia ra nhiều giai đoạn theo mô hình 2-2-1-1-3; nghĩa là sẽ có 2 năm đào tạo cao đẳng, 2 năm cử nhân, 1 năm chuyên gia, 1 năm thạc sĩ và 3 năm tiến sĩ. Như vậy đối với một học sinh tốt nghiệp THPT đã học chương trình 5 năm (theo hướng thực hành, ứng dụng) có bằng kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ  thì khi học thạc sĩ chỉ cần 1 năm chứ không nhất thiết kéo dài như bây giờ.

* Vậy những trường như thế nào sẽ được chuyển sang hướng đào tạo thực hành, ứng dụng? Người học muốn chuyển đổi từ hướng đào tạo này sang hướng đào tạo kia có được không?

- Đề án không đưa ra tiêu chí những trường như thế nào thì được đào tạo theo hướng thực hành. Việc này tùy thuộc vào nhu cầu và đề nghị của các trường, ngay trong một trường cũng có thể có hai hướng chương trình. Thực tế hiện nay đã có một số chương trình của một số trường đào tạo theo hướng này như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp... Những chương trình này đã tăng phần kỹ năng đào tạo thực hành; do đó, tốt nghiệp những chương trình này, người học sẽ được xem xét khi học tiếp lên theo hướng đào tạo thực hành, ứng dụng.

Người học có quyền được chuyển từ hướng này sang hướng kia. Khi hệ thống ĐH đã chuyển sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, việc chuyển đổi này rất đơn giản. Người học sẽ được công nhận những tín chỉ đã tích lũy và tiếp tục học theo những ngành nghề mà người học có nguyện vọng cần chuyển đổi.

* Có thể hiểu hệ thống đào tạo ĐH theo hướng thực hành, ứng dụng là hướng đào tạo nghề nghiệp. Vậy hệ thống này có chấp nhận sự liên thông với các văn bằng thuộc hệ thống đào tạo nghề hiện nay?

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Đại học, Sau đại học

- Việc liên thông, về nguyên tắc sẽ chấp nhận các văn bằng thuộc các trình độ đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chứ không phân biệt đó là bằng thuộc hệ thống đào tạo nào vì theo tôi đã là bằng cấp công nhận một trình độ nào đó thì các bằng cấp đó có giá trị ngang nhau. Ví dụ bằng tốt nghiệp cao đẳng (CĐ) thì dù là CĐ gì cũng là cùng trình độ CĐ, không nên gọi là CĐ nghề. Tuy nhiên các trình độ này phải được đào tạo cùng một chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định. Tôi cũng lưu ý: việc liên thông còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chương trình đào tạo của các trường có phù hợp về ngành nghề hay không. Nếu chương trình người học đã học phù hợp với chương trình đào tạo của trường liên thông thì người học hoàn toàn có quyền được học liên thông. Ví dụ nếu người học đã có bằng CĐ mà chương trình học phù hợp là được liên thông lên ĐH không phân biệt đó là bằng thuộc hệ thống đào tạo nào.

* Như vậy, một số bằng nghề có trình độ tương đương với trung cấp, CĐ của một số cơ sở đào tạo cấp hiện nay, sau này có được xem xét để liên thông lên ĐH?

- Những bằng thực hành mà chỉ công nhận là tương đương với trình độ này, trình độ khác chỉ là để khi sử dụng, người sử dụng biết người có bằng ở trình độ nào chứ không thể coi đó là một cơ sở để có thể liên thông lên ĐH. Chỉ khi người học có bằng cấp theo đúng quy định thì mới có thể được học liên thông.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.