Đổi mới giáo dục: Vừa chạy vừa chỉnh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
18/11/2022 06:05 GMT+7

Sau hơn nửa học kỳ của năm học mà Bộ GD-ĐT coi là trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến cho rằng phải đi bằng 2 chân, nghĩa là vừa phải chạy chương trình vừa điều chỉnh vì thiếu điều kiện thực hiện.

Ngày 17.11, tại hội thảo khoa học thường niên năm 2022 về thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 do Viện Khoa học giáo dục VN tổ chức, những vấn đề về dạy học tích hợp, thiếu thiết bị dạy học tối thiểu, giáo dục địa phương (GDĐP), trao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục cho các nhà trường... được chia sẻ dưới góc nhìn của cả các nhà nghiên cứu và triển khai thực hiện.

Một giờ dạy học tích hợp môn khoa học tự nhiên lớp 7 tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tích hợp nhưng gần 90% giáo viên môn nào dạy phân môn đó

Dạy học tích hợp ở cấp THCS vẫn là vấn đề gây nên nhiều lo lắng. Ông Trần Quang Hưng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục, cho rằng các cách xoay xở để dạy tích hợp như hiện nay mỗi cách đều có những cái hay và cái dở. Tuy nhiên, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về đầu ra của giáo viên (GV) dạy tích hợp thì phải chấp nhận đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018 phải đi bằng 2 chân, nghĩa là vừa phải chạy chương trình vừa điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời cụ thể về đầu ra của GV dạy tích hợp thì phải chấp nhận đổi mới giáo dục theo chương trình GDPT 2018 phải đi bằng 2 chân, nghĩa là vừa phải chạy chương trình vừa điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ông Trần Quang Hưng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục

TS Hà Thị Thúy, Trung tâm phát triển bền vững chất lượng GDPT quốc gia (Viện Khoa học giáo dục VN), cho biết: khảo sát với 2.003 GV tham gia giảng dạy môn khoa học tự nhiên (KHTN) lớp 6 ở 12 tỉnh (100% GV này đều đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp), cho thấy chỉ 0,6% GV được đào tạo cả 3 phân môn để có thể dạy môn tích hợp, 20,9% GV được đào tạo 2 phân môn, và gần 80% còn lại được đào tạo 1 phân môn... Điều này dẫn tới thực tế việc tổ chức dạy học tích hợp theo hướng có tới 89,8% GV môn nào dạy phân môn đó, chỉ có 10,2% GV dạy tất cả các phân môn. Có 54% số GV khảo sát cho biết trường họ tổ chức dạy song song các phân môn và 46% còn lại dạy lần lượt từng phân môn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy xu hướng tổ chức các hoạt động dạy ở các vùng miền là không khác nhau, thậm chí ở khu vực thành thị tỷ lệ GV có thể dạy cả 3 phân môn thấp hơn vùng miền núi và nông thôn. Cụ thể, số GV ở thành thị có thể dạy cả 3 môn chỉ chiếm 2,25%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 4,99% và miền núi là 3%...

Giáo viên vẫn coi SGK là pháp lệnh

TS Hà Thị Thúy chỉ ra thực tế: dù có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) và Bộ GD-ĐT khẳng định SGK không còn là pháp lệnh, GV cần tham khảo nhiều SGK và tài liệu khác nhau để xây dựng kế hoạch dạy học, nhưng kết quả khảo sát của bà Thúy lại cho thấy chủ yếu GV vẫn chỉ dựa vào nội dung trong 1 bộ SGK để thiết kế bài học. 88% GV được khảo sát ở tất cả các vùng miền khác nhau dù thành thị, nông thôn hay miền núi đều cho biết luôn luôn tuân thủ các nội dung trong SGK khi thiết kế bài học; có 12 - 14% GV trả lời không bao giờ sử dụng nhiều bộ SGK khi xây dựng kế hoạch dạy học, số trả lời “hiếm khi” cũng chiếm khoảng 12%, “thỉnh thoảng” chiếm hơn 30%... “Điều này cho thấy GV vẫn có xu hướng coi SGK là pháp lệnh”, TS Thúy nói.

Từ thực tế nghiên cứu này, TS Thúy đề xuất cần phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV dạy học môn KHTN kịp thời. Nếu chỉ tập huấn GV đơn môn trong một thời gian ngắn để GV có thể dạy được cả 3 phân môn trong môn tích hợp này là chưa khả thi. Bên cạnh đó, cần đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các nhà trường đáp ứng việc dạy học. Việc tập huấn GV với nội dung “định hướng dạy học dựa trên yêu cầu cần đạt, SGK chỉ là một trong các nguồn tài liệu tham khảo” cần được chú trọng hơn nữa.

GDPT 2018 có trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường. Đây được xem là một nội dung quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Đức, Trung tâm phát triển bền vững chất lượng GDPT quốc gia (Viện Khoa học giáo dục VN), cho hay khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo Công văn 5512 của Bộ GD-ĐT, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 40% cán bộ quản lý và GV được hỏi cho biết có khó khăn do văn bản hướng dẫn có nhiều biểu mẫu với nhiều yêu cầu đòi hỏi kế hoạch giáo dục dài, nhiều bước, phụ lục rườm rà gây khó khăn và mất thời gian.

Theo nghiên cứu của ông Đức, khó khăn cũng đến từ chương trình, SGK và nội dung dạy học khi nhiều ý kiến được nhóm nghiên cứu khảo sát cho rằng nội dung sách mới, nhiều bài học dài, chuẩn bị mất nhiều thời gian trong khi thời gian học 1 buổi/ngày. Việc xếp thời khóa biểu phức tạp; thiếu tài liệu GDĐP; thiếu các phòng học bộ môn, phòng học chức năng; thiếu phương tiện thiết bị dạy học hiện đại…

Môn giáo dục địa phương: Có nơi nửa học kỳ 2 mới bắt đầu

Việc bắt buộc đưa nội dung GDĐP vào chương trình cũng là điểm mới khác biệt của chương trình GDPT 2018.Tuy nhiên, đây cũng là nội dung bộc lộ nhiều lúng túng.

Học sinh trong giờ học giáo dục địa phương. Đây là điểm mới khác biệt của chương trình GDPT 2018 so với trước

đào ngọc thạch

Bà Nguyễn Thị Kiều Anh (Viện Khoa học giáo dục VN) chỉ ra nhiều thực trạng đáng ngại về việc xây dựng chương trình GDĐP khi chưa có sự thống nhất về khung nội dung cơ bản giữa các địa phương, chưa có sự thống nhất cấu trúc, số lượng chủ đề trong tài liệu này.

Kết quả nghiên cứu của bà Anh cho thấy thời điểm triển khai tài liệu giáo dục ở địa phương trong năm học cũng rất khác nhau, nơi thì đầu năm học (48,4%), nơi giữa học kỳ 1 (26,5%), nơi thì đến học kỳ 2 (19,2%), thậm chí giữa học kỳ 2 (5,9%) mới bắt đầu.

Theo bà Anh, số lượng GV được phân công nội dung GDĐP đúng với năng lực chuyên môn chưa được đảm bảo; tài liệu cho GV và học sinh chưa được cung cấp đủ và đúng thời điểm năm học, có nhiều nơi học sinh phải học bằng bản photocopy do chưa in kịp… Đề xuất quan trọng nhất mà nhóm nghiên cứu của bà Kiều Anh đưa ra là: “Chương trình GDĐP phải làm rõ các đặc trưng tiêu biểu của địa phương về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị, xã hội, môi trường… Chương trình phải phù hợp với chính sách, nhu cầu của địa phương.

Dạy tin học nhưng thiếu máy tính

Năm nay, môn tin học được đưa vào dạy bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, không chỉ thiếu trầm trọng GV như đã phản ánh trước đó, điều kiện tối thiểu để dạy tin học là máy tính cũng thiếu. Theo Bộ GD-ĐT, số trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học chưa có phòng học tin học: 4.183/15.023 (27,8%); số phòng máy tính hiện có: 12.092 phòng, phần lớn đã cũ, lạc hậu và không đồng bộ. Để đủ phòng máy thực hiện chương trình GDPT 2018 (tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung: 5.560 phòng.

Khảo sát của TS Hà Thị Thúy cho biết một trong những vướng mắc khi triển khai thực hiện chương trình GDPT mới là các nhà trường chưa được trang bị đầy đủ thiết bị đồ dùng dạy học ở tất cả các vùng miền. Cụ thể, 25% số GV ở khu vực thành thị được khảo sát cho biết trường họ không có thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị tối thiểu mà Bộ GD-ĐT quy định, con số này ở nông thôn là 29% và miền núi là 22%. Ngoài ra, số trường có rất ít thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị tối thiểu cũng chiếm rất lớn: thành thị là 42%, nông thôn là 50% và miền núi là 53%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.