Bộ GD-ĐT: 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 gây ảnh hưởng không nhỏ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/10/2022 18:45 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc , gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thay mặt Chính phủ đã gửi báo cáo tới đại biểu Quốc hội về hoạt động giáo dục năm 2022.

Thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn tiếng Anh, học sinh tiểu học ở H.Mèo Vạc (Hà Giang) phải học trực tuyến với sự giúp đỡ của giáo viên ở Hà Nội

m.v

Báo cáo đề cập đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với THPT.

"Trong khi đó, năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học", báo cáo nêu.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng nêu một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn còn hạn chế.

Việc bố trí giáo viên các môn học còn thiếu như tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp còn nhiều bất cập. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Vẫn còn tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống, gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và bức xúc trong xã hội.

Ưu tiên biên chế để tuyển giáo viên các môn mới

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học này và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định. Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với độ ngũ nhà giáo

Dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, cả nước đang thiếu trầm trọng giáo viên dạy các môn học mới. Cụ thể, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, để thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 3 năm học 2022 - 2023 cần thêm 5.322 giáo viên, cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên.

Với môn tin học, để đủ giáo viên (tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung 3.684 giáo viên. Ở cấp THCS và THPT, tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước thiếu khoảng 110.000 giáo viên, trong đó cấp THCS thiếu 14.653 và cấp THPT thiếu 11.133 giáo viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.