Đổi mới kiểm tra môn ngữ văn: Từng bước loại bỏ văn mẫu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
24/12/2022 06:13 GMT+7

Dù lúng túng trong cách ra đề mới nhưng giáo viên cũng khẳng định nếu cứ dạy và kiểm tra môn văn như cách cũ thì chính người dạy đã tự 'triệt tiêu' nhu cầu khám phá cái mới chứ chưa nói đến học trò.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng việc đổi mới cách ra đề kiểm tra không thể bắt buộc áp dụng đồng loạt, mà có thể tùy từng lớp học, từng đối tượng học sinh (HS) để giáo viên (GV) linh hoạt.

Thay đổi để không còn kiểu “trả chữ cho thầy”

Bà Phạm Thái Lê, GV dạy ngữ văn Trường Marie Curie (Hà Nội), chia sẻ bà hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa các ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) vào đề thi, đề kiểm tra và cho rằng đây là xu hướng tất yếu để loại bỏ văn mẫu. Chừng nào còn ra đề, chấm thi theo cách cũ thì còn dạy học đọc - chép, và văn mẫu, bài mẫu vẫn còn giá trị. Theo bà Thái Lê, văn mẫu và cách ra đề theo lối mòn, trở đi trở lại với một số ít tác phẩm trong SGK dẫn tới không chỉ triệt tiêu cảm xúc, sáng tạo của học trò mà bản thân người dạy cũng không dám giảng khác với sách GV, khác với những gì thầy của họ đã dạy, sách của thầy đã viết. Tức là tất cả người dạy chỉ có một góc nhìn chung, đều đi theo một tiến trình cứng nhắc, chuyển tải một nội dung từ năm này sang năm khác, từ thế hệ HS này sang thế hệ khác. Tự họ cũng triệt tiêu trong mình nhu cầu khám phá cái mới của tác phẩm để trở thành “thợ dạy”.

Giáo viên và học sinh lớp 10 năm nay học và kiểm tra theo Chương trình giáo dục phổ thông mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo bà Thái Lê, muốn thay đổi cách ra đề kiểm tra, cách đánh giá thì cần phải xác định rõ mục tiêu của chương trình dạy học văn là phát triển năng lực (tư duy, cảm thụ, ngôn ngữ...) để từ đó bồi đắp và hình thành phẩm chất. Như vậy, việc kiểm tra là để đánh giá quá trình phát triển năng lực của chính mỗi trò. “Tôi ủng hộ ngữ liệu cho phần nghị luận văn học là những văn bản ngoài SGK. Tiếp cận một văn bản mới để trò tự nghĩ, tự biểu đạt chứ không phải trả chữ cho thầy”, bà Lê nhấn mạnh.

Đừng “đếm ý cho điểm”

Tuy nhiên, bà Lê cũng cho rằng đáp án, hướng dẫn chấm môn ngữ văn và quan điểm của chính mỗi GV khi chấm bài của HS cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ. Thay vì “đếm ý cho điểm” như trước đây, yêu cầu HS phải đạt đủ rất nhiều ý mới cho điểm cao thì nay, khi thay đổi cách ra đề, đưa vào một tác phẩm, ngữ liệu mới hoàn toàn, cách chấm văn cũng phải hạ tiêu chí theo hướng không yêu cầu HS phải nói được nhiều ý mà đánh giá cao năng lực cảm nhận, góc nhìn sáng tạo của trò.

Để HS có được phương pháp học, người dạy cần chú trọng đánh giá khả năng biểu đạt chứ không phải kiểm tra lại nội dung đọc hiểu đã thống nhất từ những tác phẩm trong SGK. Nghĩa là người dạy không chú trọng tính đếm về lượng (thiếu - đủ), không soi xét quan điểm (đúng - sai), không đánh giá cao những bài mang tính sao chép, thiếu dấu ấn cá nhân. Người học có thể có sự non nớt, ngây thơ trong cảm nhận, khác biệt trong đánh giá, nhưng đó đúng là điều trò nghĩ và cảm. Người dạy cần lắng nghe, tôn trọng cách hiểu, cách cảm của trò. Người dạy chỉ trang bị phương pháp để trò tiếp cận tác phẩm theo con đường riêng, góc nhìn riêng của trò.

Một đề kiểm tra môn ngữ văn cuối kỳ 1 theo hướng đổi mới

t.c

GV bám sát chương trình thay vì SGK

PGS Đỗ Hải Phong, Trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng cho rằng việc đổi mới cách ra đề kiểm tra không thể bắt buộc áp dụng đồng loạt, mà có thể tùy từng lớp học, từng đối tượng HS để GV linh hoạt ra đề kiểm tra, đánh giá. Mục tiêu là đến khi việc triển khai chương trình mới thực hiện ở tất cả các cấp, các lớp học thì việc đổi mới ra đề thi không phụ thuộc vào các tác phẩm SGK là bắt buộc.

Vẫn có thể kiểm tra với những văn bản đã học nhưng theo cách sáng tạo

Về kiểm tra đánh giá, PGS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh: “Bộ GD-ĐT ngày 21.7.2022 đã có Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH và các văn bản hướng dẫn cùng với việc tập huấn cho GV. Qua tiếp xúc với GV, chúng tôi chỉ xin lưu ý thêm: cần linh hoạt và sáng tạo trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá; tránh khuôn mẫu, nhàm chán. Cần đa dạng hóa cách thức kiểm tra, đánh giá; vận dụng có hiệu quả các hình thức trắc nghiệm và tự luận. Chú ý yêu cầu HS vận dụng trong bối cảnh mới, ngữ liệu mới; với những văn bản đã học vẫn có thể kiểm tra bằng cách nêu câu hỏi và yêu cầu sáng tạo...”.

Hiện nay, với việc có nhiều hơn một bộ SGK thì việc ngữ liệu đề thi không trùng với ngữ liệu trong sách GV dạy HS là chuyện hết sức bình thường nên cần có sự chuẩn bị càng sớm càng tốt cho HS. Tuy nhiên, mỗi lớp học thường có HS ở các trình độ khác nhau nên một đề thi phù hợp với tất cả các em là không đơn giản. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với GV là phải chăm đọc tài liệu, sách báo để cập nhật những nội dung mới, từ đó có được ý tưởng về những câu hỏi độc đáo, mới mẻ, không trùng nhau.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cho rằng hiện có nhiều bộ sách ngữ văn khác nhau, mỗi bộ có cách tiếp cận và xây dựng cấu trúc sách riêng. Vì thế khi đọc, tham khảo, nhận xét và đánh giá cần dựa vào yêu cầu của Chương trình 2018, không lấy sách này hay sách khác làm thước đo cho sách còn lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.